Đây là mục tiêu đặt ra tại quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1976/QĐ/TTg.
Về bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên, mục tiêu đặt ra là quy hoạch các vùng rừng, các vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu, đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu/năm. Đồng thời, xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, là nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam.
Theo quyết định, vùng duyên hải Nam Trung Bộ phát triển 10 loại dược liệu bản địa: Bụp giấm, Diệp hạ châu đắng, Dừa cạn, Đậu ván trắng, Củ mài, Nghệ vàng, Quế, Râu mèo, Sa nhân tím và Sâm Ngọc Linh với diện tích khoảng 3.300ha.
Về phát triển trồng cây dược liệu, phấn đấu quy hoạch phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của 8 vùng sinh thái phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây thuốc để đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước.
Quyết định cũng nêu rõ, một trong những giải pháp để thực hiện quy hoạch là ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống cây thuốc phục vụ công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn; đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ và tái sinh dược liệu.
(Chinhphu.vn)