Tại TX Sông Cầu, nhiều hợp tác xã (HTX) đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng, kinh doanh không có lãi. Nguyên nhân là do các HTX này phát triển chưa gắn với khai thác tiềm năng về biển, điều được coi là thế mạnh của địa phương.
HTX Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) đầu tư hệ thống ống dẫn để đưa nước ngầm tầng mặn phục vụ sản xuất muối - Ảnh: M.DUYÊN
HOẠT ĐỘNG ÍT HIỆU QUẢ
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, trên địa bàn thị xã có 8 HTX đăng ký hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và giao thông vận tải; trong đó 2 HTX đang hoạt động cầm chừng, 2 HTX yếu kém chờ giải thể. Các HTX còn lại không được xếp loại giỏi, khá của tỉnh.
Cả TX Sông Cầu chỉ có 2 HTX vận tải thì 2 đơn vị này đều hoạt động kém hiệu quả từ nhiều năm nay. Ông Lưu Đình Trung, Giám đốc HTX Vận tải Sông Cầu cho biết, doanh thu chính của HTX có được nhờ vào % tiền thuế trích lại và việc thu phí ra vào bến xe phường Xuân Phú do HTX đang quản lý. Nhưng từ 5/2011, HTX Vận tải Sông Cầu cũng như các HTX vận tải khác trên địa bàn tỉnh đã không được nhận số tiền % đó nữa, trong khi nguồn thu phí bến bãi của HTX cũng ngày càng sụt giảm (khoảng 5 triệu đồng/tháng năm 2009 đến nay chỉ đạt gần 2 triệu đồng/tháng). “Số tiền 2 triệu đồng/tháng có được chủ yếu từ nguồn thu phí ra vào bến của 2 tuyến xe tư nhân là Cúc Tư và Bình Phương. Các nguồn thu phụ khác từ xã viên hay phí kiểm định xe không đáng bao nhiêu do ngày càng nhiều xã viên xin ra khỏi HTX (từ quản lý hơn 100 đầu xe, nay HTX chỉ còn 35 đầu xe). Nguồn vốn hiện có của HTX còn gần 50 triệu đồng nhưng các khoản chi đã lên tới 42 triệu đồng. Số tiền còn lại không đủ để HTX đầu tư tu sửa mở rộng bến bãi nên không thu hút được các chủ xe vào bến. Điều này khiến UBND phường Xuân Phú quyết định thu hồi một phần diện tích bến cho hội cựu chiến binh mở dịch vụ trông giữ xe”, ông Lưu Đình Trung nói.
6 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chủ yếu làm các dịch vụ gồm thủy nông, tín dụng nội bộ, khai thác quản lý chợ, sản xuất muối… Trung bình hàng năm, các HTX này (ngoài 2 HTX đang chờ giải thể gồm HTX NN Xuân Bình và HTX NN Xuân Lộc) đã thu hút gần 2.900 xã viên với số vốn góp 571 triệu đồng; hoạt động kinh doanh đạt tổng lãi sau thuế 949 triệu đồng. Tuy nhiên, 5/6 HTX trên có nợ tồn đọng kéo dài. Theo ông Nguyễn Công Toàn, Phó trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hiện tổng số nợ phải thu tại các HTX gần 935 triệu đồng, nhiều hơn 1,6 lần vốn góp xã viên. Mặc dù, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo thu hồi và xử lý nợ tồn đọng theo chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác thu hồi nợ tồn đọng tại các HTX, nhưng đến nay công tác này mới chỉ giải quyết được gần 40% tổng số nợ phải đòi.
SỐ ÍT HTX SẢN XUẤT MUỐI
Với thế mạnh về biển, các HTX ở TX Sông Cầu có thể phát triển sản xuất muối, đánh bắt thủy sản, chế biến nước mắm… song tại địa phương chỉ có 2 HTX có hoạt động sản xuất liên quan tới biển đó là HTX KDDV NN Xuân Phương và HTX Muối Tuyết Diêm. Nhưng 2 HTX này cũng mới tiến hành sản xuất muối chứ chưa đủ mạnh để mở hoạt động ra khơi đánh bắt xa bờ hay làm nước mắm, xây dựng thương hiệu riêng. Trung bình mỗi năm, 2 HTX này sản xuất đạt 16.350 tấn muối các loại. Hơn nữa, chỉ có HTX Muối Tuyết Diêm là HTX duy nhất chuyên làm muối và không có nợ xã viên. Sản lượng muối của HTX Muối Tuyết Diêm đạt 15.000 tấn/năm, chiếm gần 92% tổng sản lượng muối của các HTX trên địa bàn thị xã. Ông Nguyễn Hồng Hận, Giám đốc HTX Muối Tuyết Diêm cho biết, muối do HTX sản xuất sạch, ít tạp chất nên rất phù hợp với tiêu dùng hàng ngày, đặc biệt là chế biến nước mắm. Để muối Tuyết Diêm có giá trị kinh tế cao, Ban quản trị HTX đã hướng dẫn xã viên thay đổi tập quán canh tác, chuyển từ làm muối nền đất sang phương thức trải bạt và từ sử dụng nước biển bề mặt sang sử dụng tầng mặn của mạch nước ngầm trong sản xuất muối. Hiện HTX có 10 hộ xã viên sản xuất muối hầm, cho sản lượng 100 tấn, 3ha muối sạch trải bạt cho sản lượng 108 tấn, 80% xã viên đào giếng sử dụng mạch nước ngầm để hạt muối đạt độ mặn cao hơn. “Làm diêm nghiệp được hay mất phụ thuộc cả vào thời tiết. Số vốn hiện có của HTX hơn 2 tỉ đồng, nhưng để hạt muối Tuyết Diêm trở thành sản phẩm có thương hiệu độc quyền trên thị trường, chủ động trong cân đối giá cả, giảm bớt thiệt hại cho diêm dân trước những biến động về giá trên thị trường thì HTX chưa có đủ khả năng cả về vốn cũng như lao động có trình độ…”, ông Nguyễn Hồng Hận cho biết thêm.
Theo ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thành lập mới các HTX thủy sản là lời giải hiệu quả cho những tồn tại trong phát triển thành phần kinh tế tập thể hiện nay tại TX Sông Cầu. Liên minh HTX tỉnh cũng đang phối hợp với UBND TX Sông Cầu chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để thành lập mới các HTX thủy sản trong thời gian tới. Nguồn vốn ban đầu cho sự ra đời của các HTX này sẽ gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hoặc các chương trình đánh bắt xa bờ.
MINH DUYÊN