Các tổ hợp tác (THT) ra đời vừa là kênh duy trì và phát triển các nghề truyền thống địa phương, vừa giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhưng do lúng túng trong định hướng phát triển nên hoạt động của các THT vẫn manh mún và mang tính thời vụ.
Dệt chiếu ở Tổ hợp tác Chiếu cói Phú Tân (Tuy An) - Ảnh: N.TRƯỜNG
NHIỀU TIỀM NĂNG
Theo Liên minh HTX Phú Yên, toàn tỉnh có 4.794 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các THT hình thành theo từng địa bàn dân cư, nằm trong các hội đoàn thể và thường xuất hiện nhiều tại các làng nghề trên địa bàn nông thôn. Trong năm qua, các THT đã đào tạo và giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương.
Chị Nguyễn Thị Kim Phương, Tổ trưởng THT chiếu cói Phú Tân (An Cư, Tuy An) cho biết: “Làng Phú Tân quê tôi, bao đời gắn bó với nghề trồng cói, dệt chiếu nên cũng chỉ có chiếu cói mới mở ra cơ hội mưu sinh, thoát nghèo, làm giàu. Để hỗ trợ nhau cùng làm kinh tế, vợ chồng tôi đã tập hợp thêm 4 người nữa thành lập THT chiếu cói Phú Tân. Nhiều năm qua, nhờ mạnh dạn đưa máy móc vào sản xuất nên THT không chỉ làm ăn hiệu quả mà còn dạy nghề, tạo công việc có thu nhập cao cho người dân trong làng, trong xã”. Hiện THT của chị Phương có nhà xưởng rộng 342m2 với 13 máy dệt chiếu chạy liên tục, đạt doanh số 150 chiếc chiếu/ngày, thu lãi 15 triệu đồng. Đặc biệt, THT đã tạo việc làm ổn định cho 35 lao động với mức lương 1,8 triệu đồng/người/tháng. Riêng việc cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các hộ cùng làm chiếu khác cũng đã giải quyết được việc làm cho hơn 100 lao động nông nhàn.
Lao động tại các THT không phải chỉ “làm nhiều quen tay” mà còn là những lao động có tay nghề cao với sản phẩm là các tác phẩm nghệ thuật đầy tính sáng tạo. Cụ thể như THT mỹ nghệ điêu khắc gỗ Hồng Quang (THT Hồng Quang) thuộc huyện Đồng Xuân, các sản phẩm ghế trang điểm, bình hoa, ghế dựa... đã được cấp bằng độc quyền về kiểu dáng công nghiệp và trở thành hàng hóa cao cấp đang được lưu thông trên thị trường mang nhãn hiệu của THT Hồng Quang. Các tác phẩm này được tạo ra nhờ bàn tay khéo léo của những thành viên trong THT. “Hàng năm, 70 lao động được đào tạo từ đây đều có tay nghề vững vàng và tự tin mở xưởng hay cửa hàng riêng, cho doanh thu trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm”, ông Võ Hùng Tiến, tổ trưởng THT Hồng Quang chia sẻ.
Tổ hợp tác chiếu cói Phú Tân (Tuy An) tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã - Ảnh: M.DUYÊN
CHƯA PHÁT TRIỂN ĐÚNG HƯỚNG
Trong số hàng nghìn THT đang hoạt động chỉ mới có 23 THT hoạt động có đăng ký với chính quyền địa phương bằng tổng nguồn vốn gần 3 tỉ đồng. Các THT ra đời trên cơ sở nhu cầu về nhân lực lao động nên phát triển mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (với 19 tổ). Các THT công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (4 tổ) gắn liền với các làng nghề. THT hoạt động mang tính thời vụ theo các đơn đặt hàng (với THT làm đồ thủ công như mây tre đan, bó chổi…) hay theo mùa vụ (THT làm nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản…). Nghĩa là, khi có nhu cầu hoặc điều kiện phù hợp, một nhóm người (từ 3 người đến 5 người) tập hợp nhau lại góp chung vốn và chia sẻ kinh nghiệm làm nghề để làm kinh tế. Sau một thời gian, công việc hoàn thành, lợi nhuận chia đều thì THT cũng tan rã.
Thời gian qua, hoạt động có ý nghĩa xã hội lớn của các THT là đào tạo lao động địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thành công của công tác này chủ yếu nhờ vào nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) hỗ trợ phối hợp tổ chức. Yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của các THT là nguồn vốn hoạt động và định hướng kinh doanh lại phụ thuộc vào người đứng đầu thành lập THT. Điều này khiến các THT khi đủ lớn mạnh thay vì phát triển lên hợp tác xã (HTX) lại có xu hướng tách ra trở thành các doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cơ cấu tổ chức chưa bền chặt khiến các THT trên địa bàn tỉnh mới chỉ phát triển về số lượng. Để củng cố và định hướng phát triển cho các THT, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã cố gắng đưa một số sản phẩm làng nghề gắn với các THT trở thành thương hiệu của tỉnh, điển hình như THT bánh tráng Hòa Đa (Tuy An). Với các THT hoạt động kinh doanh ổn định, có số người tham gia đông, Liên minh HTX tỉnh tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý để khuyến khích các THT này trở thành các HTX. Tiềm năng kinh tế cũng như ý nghĩa xã hội của các THT là rất lớn, song để khai thác phục vụ cho sự phát triển của thành phần kinh tế tập thể nói chung thì cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị, ban, ngành.
MINH DUYÊN