Trồng dâu, nuôi tằm, bán kén là việc làm quen thuộc của người dân làng nghề ở xã Hòa Phong (Tây Hòa). Song chế biến đặc sản rượu tằm còn hứa hẹn hướng phát triển mới, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người dân làng nghề.
Sản phẩm rượu tằm được trưng bày tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp - Thương mại Phú Yên năm 2013 - Ảnh: K.ANH
BẢO TỒN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Hòa Phong đã gắn bó với bà con nơi đây hơn 30 năm, nhất là với người dân thôn Mỹ Thạnh Tây. Năm 2007, được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, từ đó đến nay, làng nghề trồng dâu, nuôi tằm Hòa Phong đã có sự đầu tư để phát triển ổn định, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Hiện tại, làng nghề có hơn 50 hộ làm nghề.
Trong năm 2013, diện tích trồng dâu của làng nghề hơn 8,4ha, trong đó diện tích được HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Hòa Phong giao khoán gần 7,32ha và diện tích dâu ven sông Ba bị cát bồi lấp được bà con tận dụng lại là 1,13ha. Trong năm này, các hộ dân của làng nghề nuôi được 804g trứng thu hoạch được 1.861,7kg. Doanh thu bán kén đạt trên 229 triệu đồng (tính theo giá bán kén từ 123.000 đến 125.000 đồng/kg); trừ chi phí lãi hơn 180 triệu đồng; nhiều hộ dân có thu nhập từ 6 đến 11 triệu đồng.
Người dân xã Hòa Phong hiện nay chủ yếu nuôi giống tằm có nguồn gốc từ Trung Quốc, được Công ty TNHH Tơ lụa Việt Nam (Lâm Đồng) cung cấp. Thời gian bắt đầu nuôi từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch hàng năm. Ông Huỳnh Tấn Nghĩa, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong cho biết: 1 vụ nuôi, chúng tôi có thể nuôi từ 4 đến 6 lứa kén, tùy vào thời tiết từng năm, khi nở tằm đến khi nhả kén khoảng 26 đến 30 ngày. Vào thời kỳ tằm ăn rỗi (khoảng 7 ngày trước khi nhả kén), nếu thường xuyên hái lá cho tằm ăn thì có thể nhả kén nhiều và chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, bên cạnh nắm vững kỹ thuật, người nuôi tằm phải có nhiều kinh nghiệm. Người nuôi phải biết cách chăm sóc cây, chọn giống tằm, theo dõi thời tiết… Thông thường, cây dâu trồng xanh tốt sau 1 năm mới có thể hái lá cho tằm ăn, lá dâu không sạch rất dễ làm tằm chết. So với việc trồng các loại cây trồng khác, thì những hộ nuôi tằm cho thu nhập cao hơn. Do đó, phần lớn người dân xã Hòa Phong đều gắn bó với nghề vì đây không chỉ là việc làm giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn là trách nhiệm bảo tồn làng nghề truyền thống.
HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI
Theo ông Huỳnh Tấn Nghĩa, trong vụ nuôi năm 2013, tuy giá kén ổn định nhưng do thời tiết đầu năm xảy ra sương muối nên ảnh hưởng đến năng suất kén. Trong năm, chúng tôi chỉ nuôi được 4 lứa, giảm 1 lứa so với năm 2012, có hộ chỉ nuôi được 2 đến 3 lứa. Mặt khác, thị trường tiêu thụ kén lâu nay chủ yếu bán lại cho công ty cung cấp giống nên không có sự cạnh tranh về giá cả... Hiện nay, biết con tằm còn được ngâm rượu uống, có tác dụng chữa được một số bệnh và được nhiều người mua quan tâm, chúng tôi nắm bắt cơ hội này để tìm một hướng đi mới, đó là đặc sản rượu tằm phục vụ thực khách.
Được biết, con tằm rất giàu chất đạm, béo và chứa nhiều vitamin, khoáng chất và có giá trị dinh dưỡng cao. Theo Đông y, tằm có vị mặn, bùi béo, thơm, tính ấm, có chất bổ như sâm nhung, được dùng làm thuốc trị các bệnh như giải độc, bồi dưỡng thần kinh, đau lưng do thận yếu, liệt dương, khí hư, suy nhược; trẻ em chậm lớn, co giật, khóc đêm; phụ nữ sau khi sinh ít sữa, đau bụng, rối loạn kinh nguyệt hoặc tắt kinh sớm, làm mờ vết đen sạm trên mặt…
Chia sẻ về cách chế biến rượu tằm, ông Nghĩa cho biết: Sau 22 ngày nuôi, chúng tôi chọn những con tằm chín, tốt (chưa nở kén) làm vệ sinh sạch sẽ; sau đó, dùng rượu trắng nhẹ độ rửa sạch, để tằm nhả bớt chất nhớt, dơ; cho tằm lên một tấm vải sạch để ráo (có thể sao qua, hoặc không sao cũng được). Bước tiếp theo là cho tằm vào rượu từ 40 đến 45 độ để ngâm, có thể cho thêm một ít dược liệu có tinh dầu thơm như vỏ quýt, vỏ chanh để rượu thơm ngon hơn. Rượu tằm ngâm từ 10 đến 15 ngày là dùng được; nhưng chúng tôi để đến 3 tháng sau mới bán vì khi đó, tằm mới chiết xuất hết các hoạt chất dược liệu, tốt cho người sử dụng.
Việc sản xuất thử nghiệm rượu tằm tại HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong được huyện Tây Hòa cho phép. Sản phẩm này vừa được giới thiệu tham gia Hội chợ triển lãm Nông nghiệp - Thương mại tỉnh Phú Yên năm 2013 và được khách hàng đánh giá cao.
Theo tính toán của người dân, 2kg tằm cho ra 1kg kén, giá tằm thấp nhất là 100.000 đồng/kg (giá kén chỉ hơn giá tằm 20.000 đến 25.000 đồng/kg); trong khi 1kg tằm dùng đến 5 lít rượu trắng; nếu tính giá bán rượu tằm thành phẩm trên 30.000 đồng/lít như hiện nay thì lợi nhuận mang lại từ việc ngâm rượu tằm sẽ cao hơn nhiều so với việc bán kén cho thương lái. Ông Trần Văn Danh, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Hòa cho biết: Ý tưởng sản xuất rượu tằm hết sức mới và độc đáo, hứa hẹn một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề xã Hòa Phong. Số vốn đầu tư không nhiều nên người dân có khả năng trang trải; tuy nhiên, vì chưa phổ biến nên việc tìm nguồn tiêu thụ còn rất khó. Người dân làng nghề cần chú trọng đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Theo ông Lê Ngọc Cửu, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, trong vụ nuôi vừa qua, HTX đã sản xuất thử nghiệm gần 50 lít rượu để cung cấp cho một số nhà hàng có nhu cầu và cũng đã nhận được phản hồi tích cực. Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai sản xuất rượu tằm trong vụ nuôi tới. Để phát triển thương hiệu đặc sản của làng nghề, ngoài việc tìm đầu ra, chúng tôi rất cần đến sự ủng hộ, quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cả người dân trong và ngoài tỉnh.
KHANG ANH