Lâu nay, người dân ở thôn Phú Mỹ (xã An Dân, Tuy An) quen gắn bó với làng nghề thúng chai truyền thống, tuy nhiên nhiều khó khăn đặt ra cho người dân hiện nay khi đầu ra rất hạn chế.
Thúng chai được làm tại nhà một hộ dân ở xã An Dân - Ảnh: K.ANH
Phú Mỹ nổi tiếng với làng nghề thúng chai truyền thống. Trước đây, việc đan thúng chai của người dân trong thôn chỉ mang tính thời vụ lúc nông nhàn, người dân có thêm thu nhập từ việc vót nan, đan thúng. Nhờ đó, nghề này đã dần dần trở thành một nghề chính, tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân với mức thu nhập tối thiểu 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Chúng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Dân cho biết: Nghề thúng chai gắn bó với bà con thôn Phú Mỹ hơn 20 năm qua. Những năm đầu, mọi người đều phấn khởi vì sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là Quảng Ngãi, Đà Nẵng và các tỉnh phía nam. Năm 2003, xã đã thành lập Câu lạc bộ làng nghề và cũng được công nhận làng nghề từ đó. Được vài ba năm hoạt động hiệu quả, bà con ở các thôn khác cũng “mon men” học nghề. Khi đó, số gia đình tham gia làm thúng chai của xã khoảng trên 70 hộ.
Tuy nhiên những năm gần đây, việc quản lý, tạo mối liên kết giữa các hộ sản xuất trong thôn vẫn còn nhiều bất cập. Theo ý kiến của một số người dân thôn Phú Mỹ, Câu lạc bộ làng nghề chưa phát huy tác dụng của tập thể và không mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Do đó, người dân đều tách riêng và tự chủ trong sản xuất, mua bán. Bà Lê Thị Hà ở thôn Phú Mỹ, cho biết: “Là thành viên của câu lạc bộ nhưng chúng tôi không được hưởng lợi gì nên không muốn tham gia nữa”. Theo ông Nguyễn Văn Chúng, người dân không đồng tình nên khó vận động tham gia mô hình tập trung. Hiện nay, làng nghề thúng chai thôn Phú Mỹ không có người quản lý, mỗi gia đình đều tự chủ về nguồn vốn, tìm thị trường… Gần đây, chúng tôi định giao cho HTX quản lý nhưng HTX cũng không dám tiếp quản. Nguyên nhân là do không có kinh phí nên không chủ động vốn để hỗ trợ cho người dân và thu nhập của làng nghề còn phụ thuộc vào thị trường hàng năm.
Mô hình kinh doanh nhỏ lẻ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó về đầu ra cho sản phẩm thúng chai của làng nghề. Ngoài những hộ có vốn đầu tư lớn, những hộ tự sản xuất và tiêu thụ với số lượng nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Lẻ ở thôn Phú Mỹ, cho biết: “Cách đây 2 năm, nhà tôi vẫn còn làm thúng chai để bán, nhưng hiện vợ chồng tôi chỉ làm công cho các gia đình trong thôn”. Còn chị Trương Thị Bích Kiều ở cùng thôn cho hay: Nhiều hộ dân ở đây đã bỏ nghề vì ít vốn, không có nơi tiêu thụ nên chỉ gia công cầm chừng hoặc bán cho những hộ hoạt động có quy mô lớn hơn. Thuận lợi với việc phân phối cho những đầu mối lớn ở các tỉnh, nên đa số sản phẩm của những hộ này có đầu ra khá hơn so với những hộ dân khác. Tuy nhiên, họ cũng không hết lo vì phải tìm đầu ra trong thời gian tới khi các đơn đặt hàng
không còn nhiều như trước. “Những nơi tiêu thụ mạnh như Vũng Tàu, Quảng Ngãi đã giảm lượng hàng xuống còn 30 đến 40%. Riêng những đầu mối nước ngoài cũng không mấy khả quan. Có một thương lái nước ngoài đến nhà tôi hợp đồng làm 200 cái thúng, đặt cọc trước 50 triệu đồng và dự kiến sẽ duy trì số lượng này trong một thời gian dài, song đã 1 năm rưỡi nay không thấy đến nhận hàng”, chị Kiều nói.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trầm lắng ở làng thúng chai thôn Phú Mỹ là sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại khác. Ông Trương Văn Dũng ở thôn Phú Mỹ cho biết: Hiện nay, sản phẩm thúng bằng chất liệu nhựa được bán phổ biến trên thị trường. Theo nhiều người mua, thúng chai nhựa có giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với thúng chai truyền thống nhưng vì sử dụng được lâu nên nhiều người chọn mua.
Thực tế, việc quảng bá, khảo sát thị trường, mẫu mã, chất lượng sản phẩm của một số làng nghề chưa được chú trọng, chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường. Thêm vào đó, sự phối hợp liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ của người dân còn hạn chế nên khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ là điều tất yếu. Nguy cơ mai một làng nghề đang là vấn đề đặt ra khi làng nghề hiện chỉ còn dưới 30 hộ dân sản xuất nhỏ lẻ. Bà Cao Thị Lài, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Dân cho biết: Hội Nông dân xã muốn tìm hướng đi hiệu quả để gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Do đó, hội có hướng vận động hình thành một số “hạt nhân” chủ chốt, hoặc liên kết các hộ tập trung thành một mối để có thể đảm nhận việc bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho làng nghề nhưng gặp khó khi không có kinh phí đầu tư và sự ủng hộ của người dân.
KHANG ANH