Thứ Bảy, 05/10/2024 14:31 CH
Phòng chống đói rét, dịch bệnh trâu, bò mùa đông:
Nơi thuận lợi, nơi khó khăn
Thứ Ba, 24/09/2013 08:21 SA

Mùa đông đang đến gần, là thời điểm sức khỏe của đàn gia súc dễ bị suy kiệt do đói và rét. Để phòng tránh thiệt hại, hiện các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc.

bo1130924.jpg

Người dân huyện Sông Hinh chăm sóc bò - Ảnh: T.TIÊN

TRIỂN KHAI SỚM

Theo Sở NN-PTNT, tổng đàn trâu, bò cả tỉnh khoảng 184.000 con tập trung ở các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An và Sơn Hòa. Nghề nuôi trâu, bò đang là mũi nhọn trong phát triển chăn nuôi của các địa phương này, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người nông dân. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe, bảo toàn đàn gia súc trong mùa đông, các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc.

Tại huyện Tuy An, địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh, công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc mùa đông được triển khai từ sớm. Ông Mai Xuân Kính ở xã An Hiệp cho hay: “Ngoài tận thu rơm rạ từ mấy sào lúa của gia đình, tôi phải mua thêm rơm rạ ở TP Tuy Hòa để tích trữ thức ăn trong mùa mưa cho đàn bò”. Không riêng gia đình ông Kính, hầu hết các hộ nuôi bò ở địa phương này đều có 1 cây rơm khô để dùng làm thức ăn thường xuyên cho trâu, bò. Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, nhờ nuôi bò mang lại lợi nhuận khá nên người dân đã chủ động trong việc trồng cỏ chăn nuôi, đồng thời ý thức được việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh nên thời gian qua không xảy ra tình trạng gia súc chết do đói, rét và dịch bệnh cũng ít xảy ra.

Tương tự, huyện Đồng Xuân cũng triển khai công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh gia súc trong mùa đông sắp tới cho các xã, thị trấn trên địa bàn. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, tổng đàn trâu, bò của huyện có hơn 16.000 con, nuôi rải đều ở các địa phương. 90% hộ nuôi có chuồng trại nuôi nhốt gia súc, trong đó chuồng trại đạt yêu cầu che chắn mưa, gió, giữ ấm cho gia súc trong mùa đông khoảng 70%. Hiện các địa phương đang tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi cách tích trữ rơm rạ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời Phòng NN-PTNT còn phối hợp với Trạm Thú y huyện và các xã, thị trấn tổ chức phun hóa chất tiêu độc sát trùng môi trường trên địa bàn toàn huyện; tập trung tại các xã có đàn gia súc lớn, các ổ dịch cũ, các lò giết mổ… nhằm hạn chế việc phát sinh, phát tán các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh trong không khí.

Ở huyện Sơn Hòa, công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh mùa đông cho gia súc cũng được quan tâm chỉ đạo. Ông Kpá Thinh, Chủ tịch UBND xã Suối Trai (Sơn Hòa) cho biết: Mấy năm gần đây diện tích trồng mía, sắn ở xã được mở rộng nên đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp, thức ăn cho bò ít dần. Vì vậy địa phương rất chú trọng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách ủ lá sắn, đọt mía làm thức ăn, đồng thời vận động người dân tận thu rơm rạ sau mùa vụ, phơi khô để dự trữ trong mùa mưa. Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, với mục tiêu không để xảy ra tình trạng gia súc suy kiệt sức khỏe, chết do thiếu thức ăn và dịch bệnh, huyện Sơn Hòa tập trung hướng dẫn, vận động bà con che chắn, củng cố chuồng trại đảm bảo điều kiện vệ sinh và phòng chống rét cho vật nuôi. Yêu cầu các hộ nuôi chuẩn bị thức ăn dự trữ; không chăn thả trâu, bò lên rẫy, ngoài đồng, thực hiện nhốt tại chuồng và bổ sung thức ăn tinh trong những ngày mưa lạnh.

SÔNG HINH, NHIỀU KHÓ KHĂN

Huyện Sông Hinh là một trong những địa phương có đàn trâu, bò khá lớn với gần 19.000 con. Hàng năm công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh mùa đông cho gia súc của địa phương này luôn được chú trọng, tuy nhiên ý thức của người dân còn hạn chế nên công tác phòng chống gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Ô Y Thảo, cán bộ phụ trách chăn nuôi của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn một số ít diện tích cỏ xen giữa các rẫy sắn, mía của người dân. Trong khi phần lớn đàn trâu, bò của huyện là của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được chăn thả rông, phụ thuộc hoàn toàn vào đồng cỏ tự nhiên và bà con chưa chịu tích trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông.... Mí Quý ở xã Ea Bia (Sông Hinh) cho biết: “Đàn bò hơn chục con nhà mí hằng ngày được chăn thả ra đồng ăn cỏ cách nhà khoảng 2km, chứ chưa cho chúng ăn rơm hay lá sắn, mía bao giờ”. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các hộ chăn nuôi là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Hinh. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường chăn nuôi chưa được người dân quan tâm, vào mùa mưa các hộ chăn nuôi không chịu thu gom, dọn chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, ngay từ đầu năm ngành nông nghiệp của huyện đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn cho người chăn nuôi để hướng dẫn bà con trồng cỏ, xây dựng, che chắn chuồng trại và ủ chua, lên men các loại lá sắn, đọt mía, rơm rạ, tích trữ thức ăn trong mùa mưa cho trâu, bò, tuy nhiên hiệu quả đạt được không cao. Đến nay toàn huyện chỉ có khoảng 10ha đất trồng cỏ, chủ yếu của các hộ người Kinh còn bà con đồng bào dân tộc thiểu số gần như vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào đồng cỏ tự nhiên.

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek