Bài 2: Mùa gặt ở Khẩu Kà Boong
Đây là năm thứ 2, trên nhiều cánh đồng của huyện miền núi Sông Hinh, lúa lai TH3-3 xanh bạt ngàn. Còn cánh đồng mẫu mía đang phát triển tươi tốt, hứa hẹn cho năng suất 100 tấn/ha.
Cánh đồng mẫu lúa lai ở thôn Chư Sai, xã Ea Trol (Sông Hinh) - Ảnh: H.NAM
LÚA LAI TRẢI DÀI
Tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 19 năm 2013 tổ chức tại Phú Yên, tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Hiện các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, nông dân sử dụng lúa giống có chất lượng còn thấp, dưới 40% trên tổng diện tích gieo trồng, vì vậy cần đẩy mạnh công tác sản xuất giống có chất lượng để tăng năng suất. Bên cạnh đó áp dụng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, vì khi nông dân thực hiện mô hình tuân thủ theo quy trình sản xuất đó là sử dụng giống lúa xác nhận, áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Các mô hình này làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.
Trong chuyến đi cùng đoàn công tác của Sở NN-PTNT tỉnh, chúng tôi đến thôn Chư Sai (xã Ea Trol). Cánh đồng lúa ở đây với những thửa ruộng bậc thang nằm kề bên rẫy sắn của đồng bào Tày, Nùng. Bà Nông Thị Sua ở thôn Chư Sai bày tỏ: “Toàn khu vực này sản xuất một giống lúa lai TH3-3. Lúa đang tròn mình (ôm đòng) chuẩn bị bung gié. Lúa lai thân cây cao, to khỏe, không như giống lúa địa phương trước đây đến khi trổ đòng cao không quá 2 gang tay người lớn”.
Câu chuyện sản xuất lúa lai được nhiều người trong thôn râm rang bàn tán khi vụ đông xuân 2012-2013 vừa kết thúc, năng suất trên 7 tấn/ha. “Vụ trước, ở đây làm thí điểm lúa lai, sạ thưa, ít đầu tư phân bón nhưng lúa tốt, ai qua lại nhìn đám ruộng cũng trầm trồ. Cuối vụ thu hoạch 7bao/sào (500m2) vì thế vụ này bà con đăng ký sản xuất đại trà”, ông Bàn Nguyên Hội lần đầu trồng lúa lai ở đây giãi bày.
Các cánh đồng buôn Ly, buôn Bầu (xã Ea Trol), lúa lai cũng xanh mượt trên từng thửa ruộng. Ông Lê Mô Y Lương, người đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê ở buôn Ly, sản xuất 4 sào lúa lai, cho biết: “Đây là vụ thứ 2 liên tiếp tôi sạ lúa lai, vụ đầu tiên được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên vụ này tôi áp dụng thành thạo quy trình sản xuất. Suốt vụ, lúa không bị bệnh, chỉ đề phòng chuột cắn phá”.
Cánh đồng lúa lai ở buôn Hai K’Lốc (xã Ea Bia), đang trổ đòng. Ông Ma Nít làm đến 6 sào lúa lai, hồ hởi nói: “Trước đây sản xuất các giống lúa địa phương thường hay bị sâu bệnh hại tấn công. Lúc đó cứ thấy lúa vàng lá là bón phân, lúa trổ đòng vẫn trút cả thúng phân xuống ruộng, cuối cùng “cây khô, mau chín”, có năm gặt 1 sào không quá 3 bao lúa (50kg/bao). Qua 2 vụ liên tiếp làm lúa lai, tôi thấy cây lúa xanh tốt, cao lớn, mừng lắm. Chắc cũng được 7 bao/sào”.
Lúa lai còn trải dài ở nhiều cánh đồng các xã vùng cao Ea Ly, Ea Lâm và Sông Hinh (giáp ranh với các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai). Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định cho hay, vụ đông xuân năm 2012-2013, mô hình sản xuất lúa lai, năng suất thực thu 74 tạ/ha cao nhất từ trước đến nay, sản lượng thu được 802 tấn; lãi ròng 13,8 triệu đồng/ha. Vụ hè thu này, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều trồng lúa lai. Lúa phát triển tốt, đang trong giai đoạn thu hoạch.
PHÁT TRIỂN CÁNH ĐỒNG MẪU
Không chỉ cánh đồng mẫu đối với cây lúa mà huyện Sông Hinh còn áp dụng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn với diện tích 10ha tại xã Ea Ly. Cánh đồng mẫu mía này của ông Nguyễn Ngọc Mỹ được trồng cácgiống ROC 10, ROC 16 mới du nhập về. Người nông dân này cho biết: “Mô hình triển khai trồng tháng 3/2013, áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ nên mía phát triển tốt, không phải như trước đây cùng chung khu gò đồi nhưng đám cây thấp, đám cây cao”. Len lỏi qua các vùng gò đồi mía của ông thẳng tắp một màu xanh. Ở đây chưa có hệ thống thủy lợi nên ông Mỹ dự tính tìm nguồn nước lắp đặt máy bơm “giải hạn” cho cây mía khi gặp nắng hạn kéo dài.
Niên vụ mía 2013-2014, lần đầu tiên ở Phú Yên, ông Mỹ “liên kết 4 nhà” trồng mía bằng cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo mô hình cánh đồng mía mẫu lớn. Mô hình này được người dân quanh vùng tham quan học tập, nhiều người khi nhìn “rừng” mía xanh đều thẳng tắp của ông Mỹ mà không chớp mắt. Còn Phòng NN-PTNT nhận định, sắp đến ở vùng đất xã Ea Ly sẽ “xuất hiện” cánh đồng 100 tấn/ha (hiện năng suất mía toàn tỉnh trung bình chỉ đạt 65 tấn/ha). Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho hay: “Mô hình cánh đồng mẫu mía lần đầu tiên triển khai ở tỉnh Phú Yên áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu trồng, bón phân, làm cỏ đều sử dụng máy. Chi phí giảm 1,5 triệu đồng/ha so với cách trồng truyền thống”.
Sở NN-PTNT đang khuyến khích các địa phương thực hiện liên kết 4 nhà, nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng mẫu để mang lại thu nhập cao cho nông dân. Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng, phân tích: Việc triển khai mô hình sản xuất giống lúa lai, cánh đồng mẫu mía sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh cao nên đảm bảo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Vì vậy, Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành mở rộng diện tích sản xuất lúa lai, cánh đồng mẫu mía để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nông dân miền núi góp phần hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
MẠNH HOÀI NAM