Thứ Bảy, 05/10/2024 08:24 SA
Quản lý vịt chạy đồng trong mùa gặt
Thứ Bảy, 21/09/2013 15:00 CH

Hiện nay các đồng lúa đang vào mùa gặt, đây cũng là thời điểm các đàn vịt di chuyển đồng nhiều nhất, nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn gia cầm cùng tăng theo. Các địa phương và ngành thú y thực hiện nhiều biện pháp quản lý các đàn vịt chạy đồng để khống chế dịch bệnh bùng phát.

 

vit1130921.jpg

Nuôi vịt chạy đồng tại thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) - Ảnh: T.TIÊN

Thống kê từ Sở NN-PTNT, tổng đàn gia cầm của tỉnh khoảng hơn 3 triệu con, trong đó chủ yếu là đàn vịt, được nuôi với quy mô từ 1.000 đến 4.000 con/hộ, theo hình thức nuôi nhốt hoặc chạy đồng trong các mùa gặt. Hiện nay nghề nuôi vịt phát triển khá mạnh tại các huyện Tuy An, Đông Hòa, Phú Hòa… Người nuôi vịt thường tập trung tăng đàn vào mùa gặt hoặc thời điểm thị trường tiêu thụ mạnh như dịp cuối năm, lễ, tết…

Ông Huỳnh Ngọc Tiến ở thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) cho biết: “Nuôi vịt là nghề chính và là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình, nên tôi duy trì đàn suốt năm chứ không nuôi theo mùa vụ. Bình thường đàn vịt của tôi dao động khoảng 3.000 đến 3.500 con, chủ yếu là vịt đẻ. Còn khi vào vụ lúa thì phụ thuộc vào giá cả mà chúng tôi tăng thêm. Như năm nay giá vịt tương đối ổn định và có lãi nên tôi tăng thêm 500 con giống nuôi thịt để tận dụng lúa rơi rụng trên đồng. Số vịt thịt này sau mùa lúa, nuôi thêm khoảng nửa tháng nữa sẽ bán”. Cũng theo ông Tiến, vì nuôi vịt đẻ nên đàn vịt sẽ được nuôi khoảng 4 năm mới thải, vì vậy công tác phòng dịch cho đàn vịt được ông quan tâm. Hiện đàn vịt đẻ của ông đều được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin tụ huyết trùng, tả và cúm gia cầm. Ông Tiến cho biết thêm: Nếu không tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trên thì đàn vịt rất dễ bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế và không thể chạy đồng sang các địa phương khác vì không có giấy chứng nhận tiêm phòng. Ông Huỳnh Ngọc Phát, cán bộ thú y thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) cho hay: Hiện đàn vịt của địa phương khoảng 13.000 con, chủ yếu là vịt đẻ, nên người dân rất ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm của mình, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng bệnh để được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng và sổ theo dõi chạy đồng. Nhờ vậy công tác giám sát đàn vịt của địa phương rất thuận lợi.

Nhiều năm trở lại đây, ngành thú y luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm và hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Nhờ vậy, ý thức người dân ngày một nâng cao, người chăn nuôi đã chủ động hơn trong việc tiêm vắc xin và phòng chống dịch bệnh. Theo ông Tống Văn Đường, Trưởng trạm Thú y huyện Tuy An, tổng đàn gia cầm của huyện có khoảng 235.600 con, trong đó đàn vịt khoảng 135.000 con, nuôi tập trung ở xã An Thạch, An Ninh Tây và thị trấn Chí Thạnh. Công tác tiêm phòng luôn được người chăn nuôi quan tâm, đối với các loại vắc xin thông thường như tụ huyết trùng, tả đều được tiêm phòng đầy đủ; riêng vắc xin cúm gia cầm, người chăn nuôi chỉ tiêm cho đàn vịt đẻ. Đến nay đã có hơn 9.000 con gia cầm được người nuôi tiêm vắc xin H5N1, dưới sự giám sát của cán bộ thú y.

Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, ngành thú y và các địa phương còn tăng cường theo dõi tình hình vịt chạy đồng trên địa bàn để giám sát được việc xuất, nhập đàn vịt trong mùa chạy đồng hiện nay. Theo UBND xã Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa), trên địa bàn xã có một số đàn vịt từ các địa phương khác chuyển đến để chạy đồng và số vịt này đều đang được giám sát chặt. Qua kiểm tra, các chủ vịt đều có đầy đủ các giấy tờ yêu cầu như giấy chứng nhận tiêm phòng, sổ theo dõi chạy đồng… vì vậy địa phương mới đồng ý cho nhập đàn. Ông Dương Mẫn, Trưởng Trạm thú y huyện Đông Hòa cho biết: Ngay từ thời điểm lúa trổ, nhiều hộ nuôi vịt đã bắt đầu tăng đàn để đón đồng nên công tác giám sát đàn vịt cũng được thực hiện từ sớm. Công tác giám sát được tập trung vào các đàn vịt của địa phương thường chạy đồng theo mùa gặt vào các tỉnh phía Nam, nơi có mầm bệnh cúm gia cầm, nguy cơ nhiễm bệnh cao và các đàn vịt được đưa về từ địa phương khác. Còn ông Phạm Văn Lự, cán bộ Thú y xã Hòa Trị (Phú Hòa) cho hay: Đa số diện tích đồng của xã đều được người nuôi vịt ở địa phương thuê nên không còn đồng trống, vì vậy không có tình trạng các đàn vịt từ địa phương khác đưa về. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn theo dõi rất sát tình hình chạy đồng, không để xảy ra tình trạng chạy “chui” (không báo cáo cho địa phương) dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Mặc dù dịch cúm gia cầm đang tạm lắng, nhưng thời điểm chuyển mùa như hiện nay là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Vì vậy người chăn nuôi không được chủ quan, phải thực hiện các biện pháp phòng dịch, đặc biệt tiêm phòng cho đàn gia cầm, nhất là các đàn gia cầm thường xuyên di chuyển đồng vì đối tượng này dễ nhiễm bệnh. Đồng thời, chính quyền địa phương cần phối hợp tốt với ngành thú y trong việc kiểm soát nguồn gốc và lịch tiêm phòng vắc xin của đàn gia cầm thì sẽ có khả năng khống chế được dịch bệnh phát sinh.

THỦY TIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek