Định hướng chiến lược, cơ chế chính sách đến những bản kế hoạch phát triển du lịch Phú Yên đã được tỉnh ban hành, triển khai; kết quả cụ thể của ngành dịch vụ du lịch cũng có dấu hiệu tích cực, nhưng chung quy lại những kết quả đạt được của ngành Du lịch Phú Yên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều lực cản…
Các doanh nghiệp du lịch tỉnh đối thoại với Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh - Ảnh: T.QUỚI
Đó là những trăn trở không chỉ của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, khách sạn mà của cả ngành Du lịch Phú Yên. Cuộc gặp mặt, đối thoại giữa doanh nghiệp với Ban chỉ đạo phát triển du lịch được tổ chức mới đây nhằm tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
GIAO THÔNG, HẠ TẦNG DU LỊCH YẾU
Tại cuộc đối thoại, các chủ doanh nghiệp có nhiều ý kiến phản ánh thực tế những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của du lịch tỉnh nhà. Trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Hạ tầng giao thông; dịch vụ tại các điểm du lịch được tỉnh công nhận điểm du lịch địa phương; thiếu các dịch vụ phụ trợ bổ sung cho sản phẩm du lịch; các vấn đề về môi trường, thủ tục hành chính… Trong đó, 2 nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm đề cập đó là: “Đường đến Phú Yên còn khó” và “Du lịch Phú Yên còn thiếu chuyện chơi”.
Về giao thông, với đường hàng không thì máy bay nhỏ, giá vé cao, thời gian dài, không phải mua lúc nào cũng có, nhất là những tour có số lượng khách lớn; đường sắt thì số lượng vé bán ra hạn chế, thời gian dừng tàu quá gấp; đường bộ thì chưa hoàn thiện… Đối với các điểm du lịch thì hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu các dịch vụ phụ trợ; ngay cả ở trung tâm TP Tuy Hòa cũng thiếu những chỗ để du khách giải trí, mua sắm. Điều này chưa thật sự thuyết phục du khách chọn Phú Yên là điểm đến cho kỳ nghỉ hoặc ngại trở lại.
Ông Trình Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt than phiền, thật ra đây không phải là vấn đề mới, lãnh đạo tỉnh không phải là không biết, nhưng khó vẫn là khó. “Khu du lịch Sao Việt đã từng “dính” và hiện tại đang đau đầu vì đón một tour khách từ TP Hồ Chí Minh nhưng không mua đủ vé máy bay chỉ vì máy bay về Phú Yên là loại máy bay nhỏ ATR 72, chỉ có 65 ghế. Hơn nữa giá vé hiện nay từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội về Tuy Hòa quá đắt, thời gian bay lâu nên khách du lịch rất ngại”, ông Bảo phản ánh. Còn ông Lê Văn Ngơi, Giám đốc Khách sạn du lịch Công đoàn kể một tình huống khách đi tàu: “Hôm rồi, tôi đón đoàn khách từ TP Hồ Chí Minh đi bằng tàu lửa, đến ga Tuy Hòa chỉ dừng chưa đầy 3 phút, hành khách tay xách, nách mang chạy hộc tốc mới kịp xuống ga trước khi tàu chạy. Không chỉ thế, vé tàu bán tại ga Tuy Hòa rất hạn chế, mua số lượng lớn không dễ tí nào”.
Vấn đề này, ông Võ Ngọc Kha, Phó giám đốc Sở GT-VT Phú Yên chia sẻ: Cảng hàng không Tuy Hòa vừa mới khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là nhà ga đạt tiêu chuẩn cấp 4C quốc tế, có tổng mức đầu tư gần 400 tỉ đồng, công suất phục vụ 550.000 hành khách/năm, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 300 hành khách. Ngành Giao thông và tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với đối tác để tiến tới thay thế máy bay lớn hơn. Xử lý tình huống trước mắt, đối với những tour khách du lịch nên có kế hoạch để đặt mua vé sớm, thậm chí chúng tôi có thể can thiệp để tăng chuyến nếu lượng khách đông. Về vé tàu lửa bán ở ga Tuy Hòa hạn chế số lượng, ông Kha thông tin thêm, hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bán vé qua mạng, không phải phân phối số lượng cho các ga, vấn đề là phải mua sớm mới có loại ghế và số lượng theo nhu cầu. Riêng việc thời gian dừng tàu ở ga Tuy Hòa quá ngắn là quy định của đơn vị kinh doanh, Sở GT-VT sẽ ghi nhận để phản ánh.
NÊN CÓ TUYẾN XE BUÝT ĐẾN CÁC ĐIỂM DU LỊCH
Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn rất vui mừng khi tỉnh đặt nhiều sự quan tâm, đầu tư cho du lịch, gần đây nhất là việc tỉnh công bố 2 tuyến, 5 điểm du lịch địa phương. Tuy nhiên, hiện tại ở các điểm đến hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, thiếu các dịch vụ. Ông Phạm Lương Đôn, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Thuận Thảo Travel, bức xúc: “Khu di tích danh thắng Gành Đá Đĩa (Tuy An) là điểm đến hết sức độc đáo, thu hút ngày càng nhiều du khách các nơi đến tham quan, nhưng hạ tầng ở đây quá yếu, rất hoang sơ, khách chỉ biết chụp ảnh rồi về. Thậm chí, nhiều khách là người già, trẻ em không dám bước xuống gành vì sợ trượt ngã”.
Một trong những ý kiến đề xuất được nhiều người tán đồng đó là tỉnh nên xây dựng tuyến xe buýt đến các điểm du lịch của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Long, chủ khách sạn Violet (Long Thủy, An Phú) nói: “Cả khách du lịch và người dân trong tỉnh muốn đến tham quan các di tích, danh thắng, nhất là những điểm vừa được công nhận là điểm du lịch địa phương, nhưng nếu phải mua tour hoặc thuê xe hay đi xe máy là rất phiền phức. Nếu có tuyến xe buýt dừng các điểm này sẽ rất tiện”. Ông Trình Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt, đồng tình ý tưởng này và phân tích thêm: “Nếu có tuyến xe buýt phục vụ du lịch sẽ giải quyết được một khó khăn hiện nay là nhiều đơn vị khách sạn, công ty du lịch lữ hành có khách lẻ không đủ thực hiện tour riêng thì có thể “ghép tour” để giảm bớt chi phí”.
Tại buổi đối thoại, các chủ doanh nghiệp cũng đã nêu nhiều đề xuất, kiến nghị đến Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Phú Yên như: Nhà nước cần quản lý chặt chẽ đối với các dự án đầu tư, đảm bảo đúng tiến độ như cam kết, tránh để xảy ra tình trạng nhiều dự án treo, không triển khai lại gây ô nhiễm môi trường như thời gian qua; hình thành tour du lịch văn hóa, làng nghề, homestay; thuyết minh viên, hoạt náo viên tại các điểm du lịch; cho các hãng máy bay giá rẻ cùng tham gia khai thác đường bay, mở thêm tuyến Tuy Hòa - Đà Nẵng… Trước những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Phú Yên Trần Quang Nhất cho rằng: “Các ý kiến, đề xuất rất xác đáng, sát với tình hình thực tế”. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các ý kiến đóng góp xây dựng, phát triển du lịch. Về giải pháp (vĩ mô) để phát triển du lịch Phú Yên, đồng chí Trần Quang Nhất nhấn mạnh: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự tích cực tham gia của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông, cầu cảng…; tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án; nghiên cứu khai thác các giá trị di sản văn hóa, ẩm thực, làng nghề, các sản phẩm hàng lưu niệm gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thu hút đầu tư, liên kết, kết nối điểm đến…
TRẦN QUỚI