Chỉ là lão nông tri điền, không qua trường lớp nhưng nhờ sự ham học hỏi, sáng tạo và kiên trì, ông Phan Văn Ẩn (thôn Tân Đạo, xã Hòa Tân Đông, Đông Hòa) đã tạo thành công nguồn điện chạy bằng sức nước để phục vụ trang trại và sinh hoạt cho gia đình.
Ông Ẩn kiểm tra hoạt động của tua bin điện - Ảnh: H.H.THẾ
Ý TƯỞNG KHƠI NGUỒN TỪ CUỘC SỐNG
Gia đình ông Phan Văn Ẩn lúc trước ở thôn Phú Lương, xã Hòa Tân Đông. Sau năm 1991, xã này có chủ trương thành lập thôn mới (thôn Tân Đạo bây giờ) và kêu gọi những người dân trong xã tình nguyện “khai thôn, lập ấp”. Vì cuộc sống mưu sinh nên gia đình ông Ẩn di cư vào đây để lập nghiệp.
Sau hơn 20 năm sinh sống ở nơi mới, đến nay gia đình ông Ẩn đã sở hữu 20ha đất rừng, đồi. Trong đó, ông sử dụng 2ha đất để trồng điều, 0,5ha đất trũng cải tạo thành ao nuôi cá và vịt đẻ lấy trứng, 0,5ha làm chuồng trại và lối đi phục vụ chăn nuôi (bò, heo và gà thả vườn), 17ha đất đồi còn lại trồng 5ha keo lá tràm, 5ha bạch đàn và 7ha xà cừ. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 120 triệu đồng. Ông Ẩn còn phấn khởi cho biết: Tháng 12 tới, ông được tham dự hội nghị “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” toàn quốc ở Hà Nội.
Kinh tế ổn định và khấm khá nhưng ông Ẩn vẫn chưa an lòng, bởi trang trại của ông cách đường điện hạ thế của xã hơn 1,5km nên chưa thể đưa điện vào trang trại. Buổi tối, có việc cần thì ông sử dụng đèn điện kiểu xách tay và bình ắc quy; còn thông thường, ông dùng đèn dầu để thắp sáng. Thông tin ông nắm được chỉ từ chiếc radio loại nhỏ, sử dụng pin tiểu. Ông Ẩn bộc bạch: “Tiền thì tôi không thiếu để mua sắm ti vi, tủ lạnh, dàn karaoke, nhưng đành chịu vì không có điện”.
Ý tưởng làm thủy điện nhỏ, phục vụ sinh hoạt trang trại bắt nguồn khi ông Ẩn thấy nước của suối Cầu Đá chạy cặp triền đồi chảy ra từ núi Mọi. Nó làm ông trăn trở nhiều đêm và đưa đến quyết tâm xây dựng thủy điện để mang ánh sáng về khu trang trại của mình. Để thực hiện ý tưởng đó, năm 2010, ông Ẩn mày mò sang các huyện khác để xem một số mô hình các gia đình tận dụng nguồn nước suối, hồ chứa làm ra điện. Nhờ sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm cùng với quyết tâm và niềm đam mê sáng tạo, tháng 6/2010 ông Ẩn bắt tay vào thực hiện công trình thủy điện của riêng mình.
VÀ NHỮNG ĐỔI THAY
Ban đầu, ông Ẩn gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển cát, xi măng... vào trang trại. Sau đó, do không lường được nguồn nước của con suối vào mùa khô, nên lượng nước chảy yếu, tua bin không đủ sức quay để phát ra điện; còn vào mùa mưa, nước chảy quá mạnh làm vỡ đập… Không nản chí, ông Ẩn đã mày mò, rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước để nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống điện chạy bằng sức nước từ suối Cầu Đá hiện nay.
Theo ông Ẩn, để làm được hệ thống thủy điện này, trước hết ông xây một con đập bằng bê tông ngăn dòng nước: dài 8m, cao 2m và chiều rộng chân đập 3m với mặt bờ tràn rộng 2m. Giữa chân đập, cách mặt đáy hồ với chiều cao khoảng 0,3m ông lắp đặt hệ thống van (đóng, mở và hộp lưới bao ngăn rác) nối đường ống cao su đường kính 0,07m (7 phân), dài 400m, từ hồ về tua bin phát điện. Nguyên lý hoạt động của hệ thống là khi dòng nước chạy qua đường ống vào cánh quạt của tua bin sẽ tác động vào đi a mô khiến nó quay theo và phát ra điện. Khi có nguồn điện, ông nối 3 dây điện (trong đó có 2 dây nóng và 1 dây nguội) vào bộ thu điện. Chi phí để hoàn thành hệ thống này gần 20 triệu đồng.
Khi hỏi về kế hoạch duy trì thủy điện nhỏ này, ông Ẩn cho biết: Vào mùa mưa, lượng nước chứa trong hồ ổn định khoảng trên 80m3, lượng điện phát ra từ 300 đến 340W nên có thể sử dụng suốt ngày đêm. Mùa khô thì trữ lượng còn khoảng 40m3 nên chỉ vào ban đêm mới mở van để sử dụng. Thời gian tới, ông Ẩn dự định thuê máy ủi mở rộng diện tích hồ để vừa tận dụng được nguồn nước bơm tưới vườn, thay nước ao nuôi cá, tắm bò..., vừa tăng thêm lượng điện sinh hoạt và có thêm điện chia sẻ cho những nhà gần trang trại. Ngoài ra, ông cũng sẽ đầu tư lắp đặt thêm một máy biến áp và hệ thống cầu dao ngắt điện an toàn khi sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ để dòng điện được ổn định.
Ông Đinh Hữu Đàm, Trưởng thôn Tân Đạo cho biết: “Công trình của ông Ẩn không hẳn là mới, nhưng về ý tưởng và áp dụng thực tế thì rất tiềm năng và có hiệu quả. Trong lúc địa phương còn khó khăn, chưa có điều kiện kéo điện về đây thì việc ông Ẩn chia sẻ điện cho bà con gần trang trại là một việc làm rất có ý nghĩa”.
Không gian trang trại của ông Ẩn là một màu xanh mướt chứ không tiêu điều, khô khốc như ở các vùng đất núi thường thấy. Chính nhờ có điện, nước nên đất trang trại nhiều sỏi đá trước kia giờ đã biến thành đất “vàng”. Ông Ẩn cho biết, cứ thế này, làm một năm cũng có thể kiếm vài trăm triệu đồng… Sinh hoạt gia đình ông cũng trở nên nhộn nhịp hơn, khi đêm về có nhiều người dân xung quanh đến xem ti vi.
Tạm biệt thôn Tân Đạo, tạm biệt trang trại trù phú khi ánh nắng chiều đã nhạt, ấn tượng về một lão nông lao động quên mình, biết sáng tạo để tạo dựng cuộc sống sung túc mãi hiện hữu trong tôi trên suốt đường về.
HOÀNG HÀ THẾ