Lần đầu tiên trên cánh đồng xã An Ninh Tây (Tuy An) nông dân áp dụng tiêu chí sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 20ha ruộng liền vùng, liền thửa. Cuối vụ, lúa chín trải đều, đồng vàng mang lại mùa bội thu.
Nông dân xã An Ninh Tây (Tuy An) thu hoạch lúa vụ hè thu 2013- Ảnh: L.TRÂM
Mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận từ cấp nguyên chủng ML49, ML202 được triển khai trong vụ hè thu 2013 với 132 nông dân ở xã An Ninh Tây tham gia, được hỗ trợ 100% chi phí giống với lượng gieo sạ 6kg/sào. Công ty Hoàng Long Vina Phú Yên hỗ trợ phân bón. Cán bộ kỹ thuật Phòng NN-PTNT huyện Tuy An tập huấn hướng dẫn nông dân phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng phương pháp…
Trên cánh đồng An Ninh Tây, vụ hè thu năm nay có nhiều diễn biến bất thường, tình trạng chuột cắn phá lúa nhiều, lượng phù sa không được bồi đắp làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Thế nhưng, kết quả thu hoạch cho thấy, năng suất thực thu của giống lúa ML49 đạt 64,5 tạ/ha, giống ML202 đạt 64,9 tạ/ha, trong khi giống lúa trồng đối chứng ML213 chỉ đạt năng suất 58,3 tạ/ha.
Theo tính toán của Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, sau khi trừ chi phí, mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã An Ninh Tây mang lại lợi nhuận gần 19,4 triệu đồng/ha, trong khi đó ruộng đối chứng chỉ 7,6 triệu đồng/ha. Từ kết quả này đã tạo niềm tin cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và góp phần hạn chế tối đa tình trạng sử dụng lúa thịt làm giống cho vụ sau.
Ông Nguyễn Hoàng Phố, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Ninh Tây cho biết, việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn. Từ đó rút ngắn khoảng chêch lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, gia tăng chất lượng lúa gạo.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong chuỗi từ nghiên cứu, sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ nông sản hàng hóa. Thông qua mô hình này cụ thể hóa việc sản xuất tập trung, nơi doanh nghiệp và nông dân hợp tác sản xuất theo hợp đồng với mục đích 2 bên cùng có lợi. Người nông dân tập trung sản xuất thành những cánh đồng lớn, còn doanh nghiệp đảm nhận các khâu cung cấp lúa giống với giá ổn định, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch theo giá thỏa thuận. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ bảo đảm được chất lượng của sản phẩm, còn nông dân thì an tâm về đầu ra. Mối quan hệ được duy trì thông qua hợp đồng nên có độ tin cậy cao hơn.
Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho hay: Trong mô hình cánh đồng mẫu lớn đã sử dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến. Đó là sản xuất lúa giống chất lượng theo nguyên tắc cơ bản không thường xuyên giữ nước ở chân ruộng như sản xuất lúa truyền thống. Kỹ thuật này làm giảm thiểu lượng khí độc thải ra đồng ruộng, đồng thời giúp cây lúa mọc khỏe, tiết kiệm giống, nước, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, cho năng suất cao, tăng hiệu quả kinh tế. Việc thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp.
LÊ TRÂM
Tây Hòa: Mô hình cánh đồng mẫu đạt năng suất 74,2 tạ/ha
Ngày 28/8, tại xã Hòa Phú, Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa phối hợp với Công ty Hoàng Long Vina Phú Yên tổ chức hội thảo đánh giá mô hình cánh đồng mẫu sản xuất một loại giống, sử dụng phân bón AgriLong của công ty trên diện tích 36ha ở 2 HTX. Hòa Phong và Hòa Phú, với giống lúa Ma Lâm 48 cấp xác nhận. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 30% phân bón và hướng dẫn kỹ thuật bón phân. Kết quả, diện tích lúa của mô hình ở xã Hòa Phú đạt năng suất 74,2 tạ/ha, trong khi giống lúa trồng đối chứng ML 213 chỉ đạt 70,3 tạ/ha và năng suất bình quân chung toàn xã vụ này là 69,1 tạ/ha.
ĐỖ QUYÊN