Các doanh nghiệp Phú Yên chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nên việc trao đổi, học tập kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là rất cần thiết. Báo Phú Yên lược ghi ý kiến của lãnh đạo Sở Công thương, đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh.
* ÔNG ĐÀO TẤN CAM, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG: Doanh nghiệp cần chủ động, mạnh dạn hợp tác
Do khó khăn về kinh phí nên công tác tổ chức giao thương giữa các doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh. Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về điều kiện, phương thức kinh doanh, giá cả… Tuy nhiên, vì năng lực kinh doanh còn yếu nên các doanh nghiệp Phú Yên chưa mạnh dạn trong việc chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp. Để tổ chức hội nghị giao thương, Sở Công thương cũng đã khảo sát tình hình, nắm bắt những khó khăn, nguyện vọng của doanh nghiệp; tìm thị trường phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương. Nhưng kinh phí để tổ chức 1 phiên giao lưu là không nhỏ. Vấn đề đặt ra là cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cùng có tiếng nói chung, phải có sự phối hợp ngay cả trong công tác tổ chức. Vì nếu doanh nghiệp chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì rất khó thực hiện.
* BÀ NGUYỄN THỊ TÁM, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN HOÀNG PHƯƠNG: Thêm cơ hội mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm
Kinh tế khó khăn làm cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng bị thu hẹp. Phần lớn doanh nghiệp đều muốn tìm kiếm thị trường, tăng số lượng kênh phân phối hàng hóa. Hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp trong tỉnh giới thiệu sản phẩm đặc trưng của mình mà còn là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp có được đối tác làm ăn mới. Ở đây, doanh nghiệp có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm; tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng ngoài tỉnh. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn bó trong quan hệ thông thương với tỉnh bạn.
Đây là lần đầu tiên, Sở Công thương tạo điều kiện để doanh nghiệp trong tỉnh tiếp xúc, giao lưu với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Hiện doanh nghiệp rất cần có đơn vị chủ công, quan tâm, tạo cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.
* ÔNG ĐẶNG NGỌC DIỆU, CHỦ NHIỆM HTX TIỀN HẢI: Có điều kiện cung cấp nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng
Là đơn vị vừa quản lý vừa khai thác chợ huyện Sông Hinh, doanh nghiệp luôn muốn cung cấp hàng hóa đa dạng cho người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Hiện tại, người dân còn khó khăn trong việc tiếp cận hàng hóa. Qua tham khảo, doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua hàng từ các đơn vị ngoài tỉnh. Vì thế, ngoài các mặt hàng hiện có, người dân địa phương còn có thể biết đến sản phẩm ở nhiều tỉnh khác. Dự kiến, trong thời gian đến, doanh nghiệp sẽ có khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của 3 miền Bắc, Trung,
* BÀ NGUYỄN THỊ HÀ, ĐẠI DIỆN DNTN HÀ TRUNG: Không ngừng nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu
Để tạo uy tín của thương hiệu, công ty không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế, Phú Yên có rất nhiều đặc sản có giá trị, chất lượng tốt. Dù chưa được quảng bá rộng rãi nhưng một số sản phẩm địa phương đã được nhiều người biết đến. Nhưng hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp trong tỉnh là không có cơ hội quảng bá, tiếp cận thị trường. Hiện doanh nghiệp tự làm tất cả các khâu như xúc tiến, quảng bá, tìm đối tác… Doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng nếu nhận ký kết hợp đồng. Được trao đổi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, chắc chắn các doanh nghiệp trong tỉnh nói chung và DNTN Hà Trung nói riêng sẽ đầu tư nhiều hơn nữa để thương hiệu hàng địa phương ngày càng tạo được ấn tượng trong người tiêu dùng.
KHANG ANH (thực hiện)