Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
ẢNh minh họa
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng không chịu thuế GTGT thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT. Đồng thời, bộ đề xuất một số hướng dẫn cụ thể với 13 trường hợp không chịu thuế GTGT. Cụ thể, đối với các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Thuế GTGT qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Dự thảo cũng giải thích rõ, bảo hiểm theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Luật Thuế GTGT là các đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác, bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; tái bảo hiểm.
Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán không chịu thuế GTGT
Dự thảo cũng hướng dẫn cụ thể về các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán là đối tượng không chịu thuế GTGT. Cụ thể, dịch vụ cấp tín dụng không chịu thuế GTGT gồm các hình thức: Cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, tài sản sử dụng để đảm bảo tiền vay của người nộp thuế GTGT hoặc đã được chuyển quyền sở hữu sang bên cho vay khi bán phải chịu thuế GTGT, trừ trường hợp là hàng hóa không chịu thuế GTGT quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT và tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT.
Bên cạnh đó, đối tượng không chịu thuế GTGT cũng bao gồm: Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng; bán nợ; kinh doanh ngoại tệ; bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Dự thảo cũng nêu rõ đối tượng không chịu thuế GTGT là kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ khác theo quy định của Bộ Tài chính.
Doanh thu kinh doanh cá nhân dưới 100 triệu/năm không chịu thuế GTGT
Dự thảo cũng nêu rõ đối tượng không chịu thuế GTGT gồm dịch vụ khám, chữa bệnh quy định tại khoản 9 Điều 5 Luật Thuế GTGT bao gồm cả vận chuyển, xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh…
Với đối tượng không chịu thuế giá GTGT là hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống, Dự thảo nêu rõ, năm có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống làm căn cứ xác định hộ, cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT là năm dương lịch trước liền kề theo quy định của Bộ Tài chính.
Chinhphu.vn