Thu, đóng phí là trách nhiệm của Ban quản lý chợ (BQL) và tiểu thương. Nhưng việc thu, nộp phí thế nào cho đúng? Ai là người thu? Quy định mức thu bao nhiêu? Đây là những vấn đề còn tồn tại ở chợ phường 7 (TP Tuy Hòa).
Khu vực hàng thủy sản ở chợ phường 7 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: K.ANH
Hiện tại, chợ phường 7 (TP Tuy Hòa) có gần 70 hộ kinh doanh cố định các mặt hàng thủy sản, rau, thịt gia súc, gia cầm, lagim, thực phẩm, tạp hóa, may mặc sẵn… Vì ít người mua nên không thuận lợi cho tiểu thương khi phải bán cả ngày. Do đó, phần lớn các quầy hàng như thủy sản, rau chỉ hoạt động từ sáng đến khoảng đầu giờ chiều, riêng các sạp quần áo, giày dép, tạp hóa, lagim thì kinh doanh cả ngày. Buôn bán ế ẩm nên việc đóng phí của tiểu thương gặp không ít khó khăn. Theo nhiều người bán, ngoài tiền phí chợ phải đóng hàng tháng, tiền thuê mặt bằng của lều A là 10 triệu đồng, A2 là 13,5 triệu đồng, B là 22,6 triệu đồng/vị trí… Đó là số tiền không nhỏ khi việc buôn bán ở chợ không mấy khả quan.
Được biết, tổng mức phí mà tiểu thương phải đóng là 61.000 đồng/tháng; trong đó có 26.000 đồng phí quản lý, 15.000 đồng dịch vụ bảo vệ và 20.000 đồng phí vệ sinh. Riêng đối với các hộ thuê mặt bằng nhưng không ra kinh doanh thì chỉ đóng phí quản lý 26.000 đồng/tháng. Ngoài ra, các hộ buôn bán không cố định (chạy chợ) thì đóng phí theo ngày, trung bình từ 2.000 đến 5.000 đồng/ngày tùy theo từng mặt hàng và lượng hàng nhiều hay ít. Theo bà Đặng Thị Thanh Tuyền, cán bộ phụ trách thu phí ở chợ phường 7, do chợ ế nên một số tiểu thương không ngồi ở vị trí đã thuê mà chuyển sang vị trí khác để thuận tiện cho việc buôn bán. Vì muốn tạo điều kiện cho tiểu thương nên BQL không quá chặt chẽ trong việc quy định chỗ ngồi. Tuy nhiên, BQL cũng chỉ thu phí theo quy định (1 lần thu).
Thực tế tại chợ, một số tiểu thương vừa phải đóng phí cho BQL, vừa phải trả tiền thuê lại chỗ ngồi cho tiểu thương khác. Chị Nguyễn Thị T, tiểu thương ở chợ nói: “Tôi ngồi đúng vị trí của mình thì không bán được. Do đó, tôi và một chị bạn đã thuê lại chỗ ngồi của một tiểu thương khác và phải trả 500.000 đồng/tháng”. Bà Đặng Thị Thanh Tuyền cho biết thêm: “Những hộ thuê mặt bằng nhưng không ra kinh doanh thì được phép cho người khác thuê lại nhưng phải có sự đồng ý của BQL chợ, mức thu là do thỏa thuận giữa người thuê và chủ cho thuê. Dù vậy, từ khi chợ hoạt động đến nay chưa có trường hợp tiểu thương đăng ký cho thuê lại chỗ ngồi cố định theo tháng. Qua kiểm tra, chỉ có 1 trường hợp của Nguyễn Thị Thùy Dung (hàng thủy sản) đã cho những tiểu thương chạy chợ thuê lại với mức phí 10.000 đồng/ngày, song BQL chợ đã kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm”.
Vì muốn có được chỗ ngồi phù hợp, nhiều người bán đã ngồi sai vị trí, hoặc sẵn sàng đóng thêm tiền thuê lại mặt bằng. Lợi dụng yếu điểm này, các tiểu thương tự ý cho thuê, thu phí trái phép. Điều này không chỉ gây thiệt hại về quyền lợi của các tiểu thương mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự chợ, uy tín của BQL. Để ổn định hoạt động kinh doanh, BQL chợ cần kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng vi phạm của các tiểu thương. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện BQL chợ phường 7 cho biết: “BQL chợ rất cần sự phối hợp của các tiểu thương. Vì vậy, người bán cần thực hiện theo đúng nội quy chợ khi tham gia mua bán. Nếu phát hiện vướng mắc, tiểu thương nên báo ngay cho BQL để được giải quyết; ngoài việc đóng phí trực tiếp cho BQL, tiểu thương không phải trả tiền thêm cho bất kỳ cá nhân nào. Đặc biệt, các hộ buôn bán cố định (chưa kinh doanh) không được phép tự ý cho thuê, thu phí khi chưa thông qua BQL. BQL sẽ có biện pháp xử lý nếu phát hiện vi phạm”.
K.ANH - M.DUYÊN