Nhiều năm qua, tình hình sạt lở dọc 2 bờ sông Ba ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nhất là tại thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) và thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phú (Tây Hòa). Tuy nhiên, việc khắc phục tình trạng sạt lở đang gặp nhiều khó khăn vì tỉnh không có kinh phí xây dựng các tuyến kè bảo vệ, trong khi mùa mưa đang cận kề.
Kè Phú Lộc, xã Hòa Thắng bị sạt lở sâu nhiều đoạn - Ảnh: T.TIÊN
SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG
Từ năm 2009 đến nay, 2 bên bờ sông Ba đoạn qua thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) và thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phú (Tây Hòa) đã bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng và tài sản của người dân. Bà Võ Thị Mấn có nhà ở cạnh sông ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng cho biết: “Trước đây, từ nhà tôi ra đến bờ sông cách khoảng 200m, nhưng qua mấy mùa mưa lụt, bờ sông chỉ còn cách vườn nhà chưa đầy 5m. Trong các đợt mưa vừa rồi, bờ sông bị sạt thêm một số đoạn, ăn sát vào đường làng, nguy hiểm cho việc đi lại của bà con. Đã có mấy lần cộ bò bị sụp bánh, suýt rơi xuống sông”.
Theo UBND huyện Phú Hòa, trước đây tình hình sạt lở bờ sông ở thôn Phú Lộc cũng có xảy ra nhưng không nghiêm trọng, tuy vậy từ sau cơn bão lịch sử năm 2009, dòng chảy chính của sông Ba thay đổi, hướng thẳng vào công trình kè Phú Lộc, gây sạt lở hơn 2km dọc bờ sông này, lấn sâu vào khu dân cư và đất canh tác của người dân. Ông Lê Ngọc Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: Sông Ba đã “nuốt” nhiều diện tích đất canh tác của người dân, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của khoảng 100 hộ dân đang sinh sống dọc khu vực này.
Còn tại bờ nam sông Ba đoạn qua thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phú (Tây Hòa) sau trận bão số 7 năm 2012, dòng nước đã cuốn trôi một đoạn bờ sông dài khoảng 500m, lấn sâu vào khu dân cư và đất canh tác của người dân khoảng 10m. Theo ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, việc sạt lở bờ sông trực tiếp uy hiếp đến tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân đang sinh sống dọc đoạn sông bị sạt lở này, nhất là trong mùa mưa bão đang đến gần.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng sạt lở là do ảnh hưởng trực tiếp của dòng chảy, tác động vào bờ lõm của sông. Vào mùa mưa lũ, mực nước sông dâng cao, đất bờ sông ngậm nhiều nước, trong khi cấu tạo địa chất bờ sông vùng này có đường kính hạt nhỏ, lực kết dính thấp nên khi mùa lũ đến, tốc độ dòng chảy lớn rất dễ gây sạt lở.
CHỜ XÂY KÈ
Qua kiểm tra của các ngành chức năng, các vị trí sạt lở đều nằm ở khu vực sâu và hẳm nên phương án trồng cây chắn đất không thể áp dụng; chỉ có thể xây kè bảo vệ với tổng kinh phí cả 2 tuyến kè khoảng 51 tỉ đồng. Do vốn đầu tư quá lớn, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư khẩn cấp dự án chống sạt lở bờ sông Ba tại thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) và thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phú (Tây Hòa), tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
Trong khi đó mùa mưa bão năm nay đang đến gần, nhiều khả năng phạm vi sạt lở sẽ mở rộng, lấn sâu vào bờ. Các địa phương đã có phương án di dời dân cư tại các vùng xung yếu, có nguy cơ cao khi xảy ra lũ lụt. Ông Lê Minh Thọ, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: Khu vực bờ sông Ba bị sạt lở tại thôn Thạch Bàn có khoảng 40 hộ dân bị ảnh hưởng nặng. Trong trường hợp mưa lụt làm sạt lở sâu thêm, các hộ dân sẽ được di dời tạm thời đến trường mẫu giáo của thôn để bảo đảm an toàn tính mạng. Về lâu dài xã rất cần được xây kè bảo vệ hoặc di dời các hộ dân này đến nơi ở mới. Còn theo ông Lê Ngọc Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, hiện địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời người và tài sản của bà con ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có mưa lụt, đồng thời cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người dân và phương tiện đi vào vùng sạt lở.
THỦY TIÊN