Dịch cúm gia cầm vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, trong đó 1 người ở tỉnh Lâm Đồng bị tử vong do cúm A/H5N1. Các ngành chức năng đang thực hiện nhiều biện pháp để phòng dịch. Tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch ở đàn gia cầm và lây lan sang người là rất lớn, khi việc mua bán, giết mổ gia cầm sống bằng hình thức thủ công tại các chợ vẫn diễn ra phổ biến.
Giết mổ gia cầm tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: T.HƯƠNG
Trong buổi tổng kết 4 năm thực hiện dự án Sáng kiến phòng chống cúm gia cầm và đại dịch tại Việt Nam mới đây, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã nhận xét nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm từ trong chợ và ngoài chợ gia cầm sống rất lớn. Việc này đến từ một nhóm các nguyên nhân: gia cầm được bày bán tại các chợ gia cầm sống không rõ ràng nguồn gốc, gia cầm chưa được kiểm dịch, có một số gia cầm bệnh cũng được đưa vào chợ, vấn đề tiêu độc tại chợ không được triển khai thường xuyên, và cuối cùng là vệ sinh cá nhân của người bán hàng và người tiêu dùng. Đây là nguồn phát tán mầm bệnh cúm gia cầm.
Mặc dù dịch cúm gia cầm chỉ xuất hiện rải rác ở một số địa phương và trong nước đã có người tử vong do cúm A/H5N1, nhưng gần như không tác động đến hoạt động mua bán gia cầm ở Phú Yên. Điều này có thể thấy ở các khu chợ mua bán, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn tỉnh. Tại chợ Tuy Hòa, hàng chục quầy hàng mua bán gà, vịt sống được bày bán ngay lòng đường Ngô Quyền. Người mua, người bán gần như chẳng ai quan tâm đến vấn đề dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm sang người. Bà Phạm Thị Hoa ở phường 3 (TP Tuy Hòa) cho hay: “Tôi thường xuyên mua gà, vịt sống ở chợ Tuy Hòa về dùng, mặc dù siêu thị có bán các loại gà làm sẵn, nhưng vì đã cấp đông nên chất lượng không còn ngon”. Khi hỏi về vấn đề dịch bệnh, bà Hoa cho hay bà chẳng lo ngại lắm vì lâu nay ở mình (Phú Yên) chưa có dịch. Vả lại khi mua gà, vịt, bà thường chọn mua các con còn sống, khỏe mạnh nên cũng đảm bảo. Còn theo bà Lan, chủ một hàng bán gà, vịt ở đây thì gà, vịt bán ở chợ Tuy Hòa được mua gom từ các hộ nuôi ở quê nên ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt lại ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên đây chỉ là những cảm nhận chủ quan của người bán, người mua, còn có “sạch” bệnh hay không thì chưa thể khẳng định được vì hầu hết gia cầm bày bán ở chợ Tuy Hòa đều chưa được kiểm dịch.
Tại khu bán thực phẩm tươi sống của chợ Tuy Hòa, hàng ngày có gần chục gian hàng mua bán gà, vịt đã được làm sẵn. Số sản phẩm này được các chủ hàng làm sẵn tại nhà, sau đó mang ra chợ bán. Theo Ban Quản lý chợ Tuy Hòa, các sản phẩm này do người bán tự mua gia cầm về giết mổ tại nhà nên hầu như không có dấu kiểm dịch trên sản phẩm. Mặc dù vậy, các loại gia cầm làm sẵn này vẫn được tiêu thụ mạnh tại chợ.
Hiện nay, nhiều chợ trong tỉnh, gia cầm được giết mổ ngay tại chợ theo yêu cầu của nhiều người tiêu dùng. Theo bà Phạm Thị Hoa, sau khi mua gà, vịt ở chợ, bà yêu cầu họ mổ luôn với giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/con, rất tiện lợi. Chính vì cả người bán lẫn người mua đều không ai ý thức đến vấn đề dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, cộng với tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn xảy ra lâu nay nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm sang người là rất cao.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, hiện tỉnh chưa có lò, điểm giết mổ gia cầm tập trung; việc giết mổ gia cầm được thực hiện nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, chủ yếu tại thôn Đông Phước, xã Hòa An (Phú Hòa). Tại các điểm giết mổ này, hàng ngày đều có cán bộ thú y kiểm soát, kiểm dịch theo quy định. Tuy nhiên tình trạng người dân lén lút giết mổ để tiêu thụ không thông báo cho cơ quan thú y hoặc địa phương vẫn tiếp diễn nên việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Riêng việc giết mổ gia cầm tại các chợ không thực hiện được vì không có thời gian hoạt động cố định.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Nhiều năm qua, Phú Yên được xem là tỉnh “sạch” về dịch cúm gia cầm. Chính vì vậy tâm lý người chăn nuôi, người tiêu dùng có phần chủ quan. Ngoài ra, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ chưa tập trung như hiện nay là những khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh của ngành chức năng.
TUYẾT HƯƠNG