Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên vừa tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật về tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, nguồn vốn vay cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân; nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn từng bước được cải thiện, hạn chế tình trạng tín dụng đen ở trong dân…
Đoàn ĐBQH giám sát việc chấp hành pháp luật về tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên - Ảnh: T.THẢO
NỖ LỰC CỦA CÁC NGÂN HÀNG
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên, tính đến ngày 30/6/2013, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt hơn 10.000 tỉ đồng. Trong đó, dự nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là 4.240 tỉ đồng, tăng 38 tỉ đồng so với cuối năm 2012, chiếm hơn 41% tổng dư nợ; dư nợ cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 420 tỉ cho 5 doanh nghiệp và gần 30.000 hộ dân; cho vay chăn nuôi, chế biến 347 tỉ đồng… Qua đó, đã góp phần chuyển dịch nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật trong kinh doanh và sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện cho người nông dân duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống. Đặc biệt, việc cho vay nông nghiệp, nông thôn đã góp phần vào tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thời gian qua; tuy còn thấp nhưng đây là nỗ lực lớn của các ngân hàng trong việc cho vay đúng định hướng của Chính phủ và địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên cho biết: Thời gian qua, hệ thống ngân hàng Phú Yên đã tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; từng bước nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cho phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn của sự suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng hệ thống ngân hàng vẫn triển khai tốt các giải pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, hộ gia đình thông qua nhiều giải pháp như: giảm lãi, cơ cấu nợ, gia hạn nợ, cho vay mới, đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi… Đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh các chương trình tín dụng thương mại phục vụ các thành phần kinh tế và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các hộ cận nghèo giúp họ thoát nghèo, không bị tái nghèo trở lại.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Chủ nhiệm HTX Sơn Thành Tây (Tây Hòa), các ngân hàng rất thận trọng trong việc xem xét cho vay, bởi lẽ rủi ro trong nông nghiệp rất lớn, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ. Nhưng nếu HTX có phương án sản xuất kinh doanh khả thi thì ngân hàng sẽ tạo điều kiện để vay vốn. “Lâu nay tôi cứ đi vay “nóng” ở ngoài nên lãi suất rất cao. Ban đầu, tôi rất ngại tiếp cận nhưng khi tìm hiểu biết nhà nước rất ưu tiên cho người dân được vay vốn phát triển sản xuất nên đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi từ Ngân hàng NN-PTNT”, ông Nguyễn Ngọc Vy (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) chia sẻ.
Ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên, cho biết thời gian qua, ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vay vốn để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi. Đối với những trường hợp thua lỗ, ngân hàng không quá tạo áp lực mà cùng tham gia tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn tuy gặp rất nhiều rủi ro nhưng chưa có bảo hiểm rủi ro, món vay nhỏ, chi phí bỏ ra để hoạt động cho vay cao, lãi suất cho vay thấp nhưng ngân hàng cũng phải tự huy động và vay từ hội sở với lãi suất cao để giải quyết kịp thời. “Chúng tôi thường xuyên cử nhân viên chủ động tiếp cận khách hàng, tìm những khách hàng tiềm năng, thủ tục vay nhanh chóng”, anh Phan Ngọc Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Á Châu chi nhánh Phú Yên cho hay.
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên giải ngân vốn vay cho khách hàng - Ảnh: N.QUANG
NHỮNG GIẢI PHÁP LÂU DÀI
Hiện nay, tình hình kinh tế trong và ngoài nước chưa ổn định, các doanh nghiệp chỉ tập trung xử lý hàng tồn kho; nợ xấu còn cao, vẫn còn nhiều rào cản khiến nhiều tổ chức và cá nhân, nhất là các HTX khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Phú Yên, tính đến tháng 6/2013 tổng dư nợ xấu là gần 500 tỉ đồng; dư nợ cho vay HTX còn ở mức thấp, chỉ có 24/153 HTX được tiếp cận nguồn vốn vay… Do đó, trong thời gian đến các ngân hàng cần tạo điều kiện mạnh mẽ để nông dân được tham gia vay vốn. Việc tiếp cận vốn sẽ được điều chỉnh theo hướng nâng mức vay vốn không phải thế chấp đối với hộ nông dân cũng như các trang trại, HTX. Đồng thời tiến tới quy hoạch từng nhóm ngành, từng vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết để tín dụng được bền vững. Ngoài chính sách chung, phải có những chương trình riêng cho những sản phẩm chủ lực như: cà phê, lúa, hồ tiêu. Riêng với thủy hải sản, nên nghiên cứu đề ra chương trình vay vốn đặc biệt ưu đãi dành cho ngư dân với thủ tục đơn giản.
Phó giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên Nguyễn Văn Hàn, cho biết thêm: “Hệ thống ngân hàng đang tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo quy định. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cho vay một số chương trình mới, phù hợp với quy trình sản xuất của bà con, cụ thể, sẽ bổ sung đối tượng trâu, bò vào quy định hỗ trợ của Nhà nước. Về lâu dài, các tổ chức tín dụng trên địa bàn, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp giữa thanh tra NHNN và kiểm soát nội bộ ngân hàng thương mại để ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai phạm của các ngân hàng. Đồng thời, giám sát các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất các khoản nợ cũ cho các nhóm, lĩnh vực ưu tiên.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn giám sát cho biết: “Thời gian qua, cơ bản các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các chính sách pháp luật về tín dụng, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái. Trong thời gian đến, các ngân hàng phải chấp hành nghiêm lãi suất huy động và cho vay; đặc biệt cần quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn cho đối tượng vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn vì lâu nay lĩnh vực này có thực hiện nhưng còn ở mức thấp”.