Vụ hè thu 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón và hóa chất dầu khí Miền Trung tổ chức mô hình trình diễn đạm Phú Mỹ trên cây lúa tại huyện Đông Hòa. Đây là mô hình cánh đồng mẫu liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) trong sản xuất lúa, giúp bà con nâng cao thu nhập.
Mô hình trình diễn đạm Phú Mỹ trên cây lúa tại xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa - Ảnh: H.NAM
Nhiều nông dân ở xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa) rất phấn khởi khi sản xuất lúa theo mô hình trình diễn đạm Phú Mỹ trên cây lúa sử dụng giống HT1 với diện tích 10ha đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất lúa theo mô hình đạt 60 tạ/ha, ruộng đối chứng đạt 61 tạ/ha. Tổng chi phí cho ruộng mô hình chỉ 20,9 triệu đồng, còn ruộng đối chứng lên đến 22,4 triệu đồng, lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng đến 2,8 triệu đồng/ha.
Theo Sở NN-PTNT, ruộng mô hình thu lãi cao là vì lượng giống gieo sạ chỉ có 6kg/sào, trong khi đó ruộng đối chứng 10kg/sào nên số dảnh ruộng đối chứng cao hơn ruộng của mô hình là 138 dảnh. Do tập quán sạ dày, sử dụng lúa thịt làm giống nên quá trình phát triển, cây lúa cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, lúa không đẻ nhánh tốt. Trong khi đó, ruộng mô hình do sạ thưa, bón phân cân đối nên cây lúa đẻ nhánh khỏe. Đến giai đoạn trổ đòng, ruộng mô hình được 498 bông/m2, trong khi đó mặc dù sạ dày nhưng đến giai đoạn này ruộng đối chứng cũng chỉ đạt 584 bông/m2.
Ông Đỗ Như Định, Phó chủ nhiệm HTX Hòa Xuân Tây 2 cho biết: Ruộng mô hình sạ lúa theo hàng với lượng giống ít (6kg/sào) góp phần giúp nông dân tiết kiệm lượng phân bón, làm cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn, cây lúa đẻ nhánh khỏe, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, áp dụng bón phân cân đối nặng đầu nhẹ cuối nên lúa trổ tập trung trong vòng 4 đến 5 ngày là tiền đề vận chuyển dinh dưỡng về hạt làm cho hạt chắc mẩy hơn.
Ông Mai Kim Hòa, ở xã Hòa Xuân Tây cho hay: “Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết, khi sạ gặp mưa kéo dài lúa chết, khi trổ đòng nắng gắt hạt lúa lem lép hạt.
Tuy nhiên nhờ áp dụng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao nên nông dân thu lãi cao hơn so với ruộng đối chứng”. Cũng theo một số nông dân, mô hình trình diễn đạm Phú Mỹ tưới nước bằng biện pháp tưới ngập, khô xen kẽ đến khi lúa đón đồng, sau khi lúa chín sáp thì rút nước cho ruộng nứt chân chim chứ không giữ nước thường xuyên trong ruộng như sản xuất lúa truyền thống. Cách làm này giảm thiểu lượng khí thải độc hại thoát ra từ đồng ruộng đồng thời giúp cây lúa mọc khỏe, năng suất cao, tiết kiệm nước tưới, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, HTX Nông nghiệp Hòa Xuân Tây 2 nằm ở hạ lưu sông Bàn Thạch, có diện tích canh tác cả năm trên 915ha; nông dân có trình độ thâm canh cao, năng suất bình quân đạt 75 đến 79 tạ/ha. Thế nhưng do nông dân quen sử dụng các loại giống lúa chưa đảm bảo nên năng suất cao nhưng giá trị lúa hàng hóa thấp, người trồng lúa không có lãi. Mô hình trình diễn đạm Phú Mỹ giúp nông dân liên kết trong sản xuất, tiếp cận với các biện pháp thâm canh mới: giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng để tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên cho hay: “Trong quá trình sản xuất, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, phân urê và 30% lượng phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh. Mô hình này giúp nông dân liên kết trong sản xuất, tiếp cận với các biện pháp thâm canh mới, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Qua thực hiện mô hình, huyện Đông Hòa từng bước hình thành những vùng nguyên liệu hàng hóa lúa chất lượng cao, cung cấp cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
MẠNH HOÀI NAM