UBND Phú Yên vừa có quyết định công nhận năm điểm du lịch và hai tuyến du lịch địa phương. Đây được xem là cơ hội để ngành Du lịch Phú Yên tiếp tục quảng bá, thu hút đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đối với di sản trên các tuyến, điểm du lịch. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên xung quanh vấn đề này.
Tháp Nhạn - điểm du lịch văn hóa trong lòng TP Tuy Hòa - Ảnh: T.QUỚI
* Thưa ông, việc công nhận tuyến, điểm du lịch địa phương có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển du lịch tỉnh nhà?
- Có thể nói đây là hành lang pháp lý quan trọng, cơ bản để tỉnh và ngành Du lịch xác định thứ tự ưu tiên đầu tư có trọng tâm trọng điểm; là cơ hội để ngành Du lịch Phú Yên tiếp tục quảng bá, thu hút đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đối với di sản trên các tuyến, điểm du lịch này. Một khi được công nhận tuyến, điểm du lịch chắc chắn công tác tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh để cộng đồng có chung trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa; đầu tư từ ngân sách cũng được ưu tiên, có chính sách ưu đãi hơn. Ví dụ, khi công bố tuyến du lịch Tuy Hòa - Thành An Thổ - Gành Đá Đĩa - Tháp Nhạn, đồng nghĩa với tuyên truyền rộng rãi để cộng đồng người dân thêm tự hào về các điểm du lịch trên mảnh đất quê hương mình, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ nó. Đối với các công ty du lịch lữ hành, du khách có thể biết được thông tin và được bảo hộ thông tin khi tổ chức tour hoặc quyết định chọn điểm đến cho mình và có thể yên tâm về một số vấn đề về an ninh, cơ sở hạ tầng, dịch vụ (một cách tương đối). Còn đối với các nhà đầu tư, trên cơ sở này họ có thể khảo sát, nghiên cứu, đầu tư các dịch vụ du lịch một cách phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế và không lo đến vấn đề quy hoạch.
* Có một số điểm di tích như Đền thờ Lương Văn Chánh (Phú Hòa), Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định)… đã được đầu tư hạ tầng, nhưng chưa được công nhận điểm, hoặc có trên tuyến du lịch. Những điều kiện như thế nào để được công nhận, tuyến, điểm du lịch địa phương?
- Điều 24, 25 Luật Du lịch (năm 2006) quy định rõ về điều kiện để được công nhận là điểm du lịch, tuyến du lịch quốc gia, địa phương. Theo đó, điểm du lịch có đủ các điều kiện: Tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch; kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất 10.000 lượt khách tham quan một năm. Đối với tuyến du lịch địa phương phải đảm bảo: nối các khu du lịch, điểm du lịch trong phạm vi địa phương; có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ du khách du lịch dọc theo tuyến.
Thực tế địa phương, ngành VH-TT-DL Phú Yên đã rà soát ưu tiên các điểm du lịch có thể kết nối trên cùng một tuyến du lịch, các điểm có đông khách du lịch đến trong thời gian qua để tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Trước mắt có hai tuyến du lịch, một phía nam, một phía bắc là: Tuy Hòa - Bãi Môn - Mũi Điện - Khu di tích Tàu không số Vũng Rô - Tháp Nhạn và tuyến Tuy Hòa - Thành An Thổ - Gành Đá Đĩa - Tháp Nhạn. Đây là hai tuyến du lịch tương đối về hạ tầng, dịch vụ, nhu cầu khách du lịch lớn và có thể kết nối được các điểm đến được công nhận là điểm du lịch địa phương. Đối với một số điểm di tích, danh thắng chưa công nhận là điểm du lịch địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư, quảng bá để tiếp tục công nhận trong thời gian tới nhằm làm phong phú hơn điểm đến, sản phẩm du lịch địa phương.
* Với tư cách là cơ quan chủ quản trong vấn đề này, công việc sắp tới của ngành VH-TT-DL Phú Yên là gì để thực hiện nhiệm vụ quản lý tuyến, điểm du lịch theo quy định?
- Sau khi UBND tỉnh có quyết định công nhận tuyến, điểm du lịch địa phương theo chức năng, ngày mai 19/8, trong khuôn khổ các hoạt động Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc Phú Yên năm 2013, Sở VH-TT-DL sẽ tổ chức lễ công bố khai trương các tuyến, điểm du lịch này. Đồng thời có kế hoạch tuyên truyền quảng bá rộng rãi đến cộng đồng người dân, doanh nghiệp và du khách trong và ngoài nước.
Một phần việc mang tính trọng tâm và lâu dài nữa là phối hợp các địa phương, ban ngành xây dựng quy chế để quản lý các tuyến điểm du lịch.
Trong đó một số nội dung quan tâm như: Bảo vệ, giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch; vệ sinh môi trường; an ninh trật tự và an toàn xã hội; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông của các phương tiện vận chuyển khách du lịch… tại các điểm, tuyến du lịch; ban hành quy chế, nội quy quản lý và khai thác điểm du lịch địa phương theo đúng quy định của Luật Du lịch, Luật Di sản và các văn bản Nhà nước có liên quan. Đặc biệt, ngành chú trọng xây dựng nội dung thuyết minh, các ấn phẩm quảng bá giới thiệu điểm, tuyến du lịch địa phương giúp du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc lịch sử văn hóa, giá trị di tích; quản lý việc đầu tư, xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch dọc tuyến du lịch theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đã được phê duyệt và theo đúng quy định của pháp luật…
* Xin cảm ơn ông!
TRẦN QUỚI (thực hiện)