Lo ngại về hàng kém chất lượng, cộng với thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đã khiến việc buôn bán của nhiều tiểu thương tại các chợ trong tỉnh rơi vào cảnh ế ẩm.
Khách hàng chọn mua bánh kẹo tại một chợ ở TP Tuy Hòa - Ảnh: Đ.NGUYÊN
Tại các chợ ở khu vực nông thôn trong tỉnh, tiểu thương thường buôn bán hai buổi trong ngày, sáng và chiều. Theo các tiểu thương, thời gian gần đây, buổi sáng, chợ khá đông khách, nhưng buổi chiều thì ít nên chợ chỉ bán các loại thực phẩm tươi sống phục vụ bữa cơm chiều cho một số gia đình.
Vợ chồng ông Lê Văn Thanh bán thịt heo ở chợ xã Hòa Vinh (Đông Hòa) cho biết: “Không như các năm trước, chợ bây giờ rất thưa khách, kéo theo đó là sức mua giảm mạnh. Suốt buổi sáng mà sạp hàng của vợ tôi chỉ bán hơn 20kg thịt. Số thịt còn lại, buổi chiều tôi phải chở vợ đi bán dạo ở các xóm may ra mới hết”. Còn bà Nguyễn Ngọc Liên bán thực phẩm khô ở chợ Phú Thứ, xã Hòa Bình 2 (Tây Hòa) thì nói: Không riêng gì sạp hàng của tôi, nhiều người buôn bán ở chợ này cũng trong cảnh ế ẩm. Chủ yếu bán đến khoảng 10g sáng là hết khách, còn buổi chiều các sạp hàng hầu như đóng cửa vì không có khách. Theo bà Liên, sức mua hàng tại chợ giảm một phần do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, phần khác là do việc buôn bán cạnh tranh với nhau. Tiểu thương có sạp hàng trong chợ tỏ ra yếu thế, khó thu hút khách hàng khi nhiều hàng quán của các hộ kinh doanh cố định và những người buôn thúng bán bưng dọc hai bên quốc lộ 29 trước cổng chợ. Khách hàng mới đến cổng chợ đã được nhiều người chèo kéo, mời mọc mua hàng với giá bằng hoặc rẻ hơn so với các mặt hàng cùng loại bán trong chợ nên nhiều người ngại vào chợ mua vì tốn thời gian và tiền gửi xe.
Trong khi đó, bà Võ Thị Ngọc bán thực phẩm công nghệ và sữa ở chợ Phú Lâm (TP Tuy Hòa) than phiền, ngoài thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn, chúng tôi còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc nhiễm độc bày bán tràn lan trên thị trường. “Cầm lon sữa hay hộp thịt lên xem, nhiều người hỏi có phải do Trung Quốc sản xuất, có chứa chất bảo quản không? Sau đó trả lại và bỏ đi, mà không một lời hỏi giá”, bà Ngọc buồn rầu nói.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tránh kẹt xe tại các khu vực chợ vào giờ cao điểm, hầu hết ban quản lý các chợ trong tỉnh cấm xe ra vào chợ từ sáng sớm đến 10g và lập các điểm giữ xe của khách hàng để thu phí. Thông thường, mức phí giữ xe mà ban quản lý các chợ đưa ra đối với xe đạp là 1.000 đồng/lượt, đối với xe gắn máy từ 2.000 đến 3.000 đồng/lượt, tùy nơi, khiến cho nhiều người ngại đến chợ mua hàng. Ngoài ra, tiểu thương buôn bán tại các chợ còn chịu áp lực mất khách hàng khi ngày càng có nhiều người buôn bán hàng “di động” trên các vỉa hè, buôn bán tại nhà. Người tiêu dùng có thể không cần vào chợ cũng có thể mua đầy đủ các loại thực phẩm như ở chợ, mà giá rẻ hơn do người bán không phải đóng các khoản phí như những người buôn bán ở chợ.
Ngay cả chợ Tuy Hòa - đầu mối cung cấp hàng hóa lớn nhất tỉnh, thời gian qua nhiều tiểu thương ở đây cũng than phiền việc kinh doanh ế ẩm. Ông Nguyễn Chí Xanh, Trưởng ban Quản lý chợ Tuy Hòa cho biết, tình trạng ế ẩm đã diễn ra tại chợ gần 1 năm nay. Từ đầu năm đến nay đã hơn 800 hộ tạm nghỉ kinh doanh và gần 20 hộ sang nhượng sạp, trong tổng số hơn 2.500 hộ kinh doanh tại chợ.
Đại diện phụ trách bán hàng của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tại Phú Yên cho biết, lượng hàng cung cấp ra thị trường những tháng gần đây giảm mạnh so với cuối năm 2012. Nhiều mặt hàng của công ty phân phối tại các chợ ở khu vực nông thôn, miền núi Phú Yên hầu như không tiêu thụ được, cá biệt có trường hợp trả hàng lại cho công ty.
Dù có sự xuất hiện của các siêu thị, nhưng chợ truyền thống vẫn là kênh bán hàng quan trọng tại Phú Yên, thế nhưng việc buôn bán tại các chợ đang gặp nhiều khó khăn. Đây là thực tế đáng buồn, rất cần các ngành chức năng và chính quyền có biện pháp sớm tháo gỡ để tiểu thương yên tâm buôn bán, tránh tình trạng bỏ sạp, gây lãng phí.
ĐĂNG NGUYÊN