Thứ Tư, 27/11/2024 07:37 SA
Phòng, chống dịch lở mồm long móng gia súc:
Quyết liệt trong công tác tiêm phòng
Thứ Bảy, 10/08/2013 13:30 CH

Thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, một số xã vẫn đang đối phó với dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc. Để công tác phòng dịch đạt hiệu quả, các địa phương quyết liệt triển khai việc tiêm phòng vắc xin LMLM nhằm nâng cao khả năng phòng dịch cho đàn gia súc.

 

tiem-phong130810.jpg

Tiêm phòng vắc xin LMLM cho bò ở huyện Sông Hinh - Ảnh: T.HƯƠNG

ĐỒNG LOẠT TIÊM PHÒNG

 

Theo kế hoạch tiêm phòng của UBND tỉnh, từ đầu tháng 7, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM đợt II/2013 cho gia súc. Tính đến nay, các trạm Thú y đã nhận hơn 74.470 liều vắc xin tuýp O, đồng thời sử dụng số vắc xin còn dự trữ tại trạm để triển khai tiêm phòng. Bước đầu, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc xin LMLM cho hơn 104.500 con bò trên tổng đàn gần 139.000 con. Một số địa phương đã tiêm được trên 80% tổng đàn, tập trung ở các xã đồng bằng. Ông Trương Văn Bình, Trưởng trạm Thú y huyện Tây Hòa cho biết: Đến nay trạm đã tiêm phòng vắc xin cho khoảng 13.000 con trâu, bò, đạt khoảng 80% tổng đàn trong diện tiêm. Thông thường tỉ lệ tiêm phòng trên địa bàn huyện luôn đạt từ 90% đến 93%, vì vậy dịch LMLM cũng ít xảy ra trên đàn gia súc của địa phương.

 

Ở các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa, công tác tiêm phòng cũng rất thuận lợi, nguyên nhân là người dân ở đây đã ý thức được lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Ông Trần Văn Quang, Trưởng trạm Thú y TP Tuy Hòa cho biết, sau khi nhận vắc xin LMLM từ Chi cục Thú y, trạm đã triển khai ngay kế hoạch tiêm phòng. Đến nay, trạm đã tiêm phòng được gần 5.300/5.933 con gia súc, dự kiến sẽ kết thúc đợt tiêm phòng chính vào ngày 15/8, sau đó sẽ tiếp tục tiêm phòng bổ sung. Ông Quang cho biết thêm: Đội ngũ thú y viên của địa bàn đã có sẵn kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm tiêm vắc xin cũng như xử lý các sự cố trong và sau khi tiêm nên công tác tổ chức tiêm phòng của địa phương rất thuận lợi. Bà Trần Thị Thạo ở thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) nói: “Nhờ được Nhà nước hỗ trợ thuốc, chúng tôi chỉ phải trả tiền công tiêm thuốc cho nhân viên thú y nên đỡ tốn kém. Nếu không được cấp vắc xin miễn phí thì chúng tôi cũng phải tự bỏ tiền mua thuốc, vì tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cho đàn bò”.

 

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: LMLM là bệnh chung trên gia súc có móng đôi, loại bệnh có đặc tính lưu hành, chưa có thuốc đặc trị bệnh mà chỉ có vắc xin phòng ngừa. Chính vì vậy mà tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này. Để việc tiêm phòng vắc xin đạt hiệu quả cao thì người chăn nuôi phải hiểu rõ, mỗi loại vắc xin chỉ phòng được một bệnh, ví dụ vắc xin tụ huyết trùng trâu bò chỉ phòng được bệnh tụ huyết trùng trâu bò, không phòng được bệnh LMLM. Sau khi tiêm vắc xin một thời gian nhất định động vật mới có miễn dịch…

 

SÔNG HINH: CƠ CHẾ RIÊNG KHUYẾN KHÍCH TIÊM PHÒNG

 

Không thuận lợi như các huyện, thị xã, thành phố ở đồng bằng, công tác tiêm phòng vắc xin LMLM ở huyện miền núi Sông Hinh gặp rất nhiều khó khăn vì người dân không hưởng ứng. Theo Trạm Thú y huyện Sông Hinh, đa số đàn gia súc ở địa phương là của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nuôi theo hình thức thả rông, đồng thời bà con chưa ý thức lắm trong chấp hành chủ trương tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò... là những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tiêm phòng của huyện luôn thấp, không đạt yêu cầu, nên mỗi khi gặp thời tiết bất lợi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

 

Trước thực trạng trên, UBND huyện Sông Hinh đã có nhiều biện pháp, cơ chế riêng nhằm nâng tỉ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM lên cao. Theo quy định chung, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin, người nuôi phải trả tiền công tiêm cho nhân viên thú y với giá 4.000 đồng/mũi tiêm. Để khuyến khích người dân tiêm phòng cho gia súc, UBND huyện trích ngân sách địa phương hỗ trợ luôn chi phí công tiêm phòng. Như vậy, người chăn nuôi được miễn phí hoàn toàn khi tiêm vắc xin LMLM cho trâu, bò. Ông Lê Ô Y Thảo, cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng NN-PTNT huyện cho hay: Không những thế, khi tiêm phòng vắc xin LMLM, gia súc của bà con còn được UBND huyện “bảo hành” trong vòng 15 ngày. Trong thời gian này, nếu gia súc bị sẩy thai sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/con; trong trường hợp gia súc bị chết sẽ được hỗ trợ từ 80% đến 100% giá trị con vật (theo giá thị trường) đối với hộ người đồng bào DTTS, hỗ trợ từ 60% đến 80% đối với hộ người Kinh. Ngoài ra, huyện Sông Hinh còn lấy chỉ tiêu tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc của gia đình, dòng họ đối với các cán bộ, đảng viên vào xét thi đua.

 

Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng trạm Thú y huyện Sông Hinh cho biết: Sau khi huyện Sông Hinh triển khai thực hiện nhiều biện pháp để vận động bà con chấp hành tiêm phòng vắc xin LMLM cho gia súc, tỉ lệ tiêm phòng có tăng lên nhưng không đáng kể. Nhiều thôn, buôn người dân vẫn không chấp nhận tiêm phòng như buôn Bầu, Ly của xã Ea Trol; buôn Dành A, Dành B xã Ea Bia... Tại các buôn này còn có trường hợp cán bộ, đảng viên trong buôn nhốt luôn gia súc trên rẫy, không lùa về để khỏi tiêm phòng hoặc gửi sang nhà bà con để tránh bị phê bình... Theo ông Chung, để tỉ lệ tiêm phòng đạt cao, địa phương đặt vấn đề siết chặt đầu ra của sản phẩm. Cụ thể, khi bà con bán gia súc, vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện mà chưa được tiêm phòng theo quy định thì tuyệt đối không cho. Khi gia súc nuôi không bán được, bà con sẽ tuân thủ việc tiêm phòng.

 

TUYẾT HƯƠNG - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek