Thứ Tư, 27/11/2024 09:34 SA
Cần có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp
Thứ Bảy, 10/08/2013 11:00 SA

Tại hội thảo “Nắm bắt thực trạng doanh nghiệp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên”, đại diện một số doanh nghiệp ở Phú Yên đã nêu lên những khó khăn trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và kiến nghị Chính phủ có hướng tháo gỡ. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến liên quan.

 

may130810.jpg

Cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động mới. Trong ảnh: Công nhân làm tại Công ty cổ phần An Hưng - Ảnh: LÊ HẢO

ÔNG HUỲNH TẤN NAM, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ KIÊM TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN PYMEPHAR­CO: Ưu tiên cho sản xuất trong nước

 

Đầu năm 2012, Liên bộ Y tế - Tài chính có Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế; sau đó, Bộ Y tế ra tiếp Thông tư 11/2012/TT-BYT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện công lập theo 2 quy định mới này đã gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, nhất là các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao để nâng chất lượng thuốc. Theo quy chế đấu thầu mới, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm đó. Kết quả là hầu như chỉ có thuốc Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan trúng thầu vì có giá rất rẻ; những thuốc có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu điều trị, do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hầu như đã rớt thầu. Hiện Nhà nước có chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chúng ta cũng đang xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Tôi đề xuất trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải có chính sách ưu tiên cho các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam; đồng thời việc ưu tiên này phải được lượng hóa cụ thể để dễ dàng vận dụng vào thực tế.

 

Từ trước đến nay, giá trị của ngành Dược mang lại không hề nhỏ, vừa đảm bảo an ninh y tế, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp vào ngân sách, góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ… Thiết nghĩ, Nhà nước nên giải quyết vấn đề một cách rốt ráo để bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp ở Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế.

 

ÔNG K.V.S.R SUBBAIAH, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH CÔNG NGHIỆP KCP VIỆT NAM (KCP VIL): Có cơ chế giá riêng đối với các sản phẩm năng lượng sạch

 

Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ tập trung sản xuất đường tinh luyện phục vụ công nghiệp chế biến nước giải khát, thực phẩm. Trong thời gian tới, để tồn tại và phát triển, KCP VIL có kế hoạch mở rộng hoạt động bằng cách nâng cao công suất của các nhà máy hiện tại, đầu tư mới những sản phẩm phụ từ việc chế biến đường như đồng phát nhiệt điện, sản xuất ethanol nhiên liệu. Đây đều là những sản phẩm năng lượng sạch, thuộc danh mục được Nhà nước khuyến khích đầu tư nhưng hiện Việt Nam chưa có cơ chế giá riêng cho các sản phẩm này.

 

Cụ thể, đối với dự án đồng phát nhiệt điện, KCP VIL sẽ tận thu bã mía, phế phẩm của nhà máy đường, làm nhiên liệu sản xuất điện; dự kiến hòa vào điện lưới quốc gia và bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây là sản phẩm năng lượng mới, năng lượng điện tái tạo, nhưng hiện giá bán sản phẩm này vẫn bằng với giá bán nhiệt điện sản xuất bằng than. Điều này không hợp lý, không mang tính khuyến khích đầu tư. Dự án tiếp theo mà KCP VIL đang tiến hành là sản xuất ethanol nhiên liệu từ mật rỉ, một phụ phẩm trong quá trình sản xuất đường. Hiện Chính phủ cho phép pha trộn tỉ lệ ethanol nhiên liệu nhất định vào xăng truyền thống. Tuy nhiên, trong khi giá xăng biến động thất thường thì cơ chế giá đối với ethanol nhiên liệu lại không có bất cứ hướng dẫn nào kèm theo. Đây là những dự án khuyến khích đầu tư, tạo ra năng lượng sạch nên chúng tôi đề nghị Chính phủ có chính sách rõ ràng trong cơ chế giá đối với các sản phẩm tái tạo năng lượng.

 

ÔNG BÙI XUÂN KHƯƠNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ KIÊM PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN AN HƯNG: Ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ

 

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhưng lại thường xuyên thay đổi. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cần sự ổn định thì điều này gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị. Cụ thể, năm 2012, Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động. Đến nay 2013, chính sách này thay đổi, doanh nghiệp không còn được giảm thuế mà chỉ được gia hạn thuế trong một thời gian khiến chúng tôi hụt hẫng. Hiện các doanh nghiệp ngành May mặc giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, trong đó có đến 90% là lao động nữ. Từ 1/5/2013, khi chính sách mới về chế độ thai sản đối với lao động nữ có hiệu lực, doanh nghiệp ngành May mặc gặp không ít khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước cần quan tâm, có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, nhất là các chính sách ưu đãi thuế để doanh nghiệp có tích lũy, tiếp tục đầu tư sản xuất.

 

Ngoài ra, chúng tôi còn mong muốn Nhà nước hỗ trợ kinh phí để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động; đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước phát triển bền vững, tránh nhập siêu nguyên phụ liệu từ các nước. Các sở, ngành ở địa phương cũng cần quan tâm, giúp doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

 

LÊ HẢO (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek