* Giao lưu thương mại giữa Phú Yên và An Giang
Ngày 8/8, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc, học tập và trao đổi kinh nghiệm với đoàn công tác của tỉnh An Giang do Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng làm trưởng đoàn.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: L.HẢO
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh An Giang nêu lên những thắc mắc liên quan đến quá trình thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao), BT (đầu tư - chuyển giao), dự án vay vốn ODA, như: tỉ lệ góp vốn nhà nước, cơ sở pháp lý, cơ chế thanh toán vốn, hỗ trợ chi phí tư vấn thiết kế... Các sở, ngành của tỉnh An Giang cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Phú Yên trong việc quy hoạch, cải tạo đô thị, thực hiện cơ chế một cửa, xây dựng bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính, cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chính sách giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra, đoàn công tác tỉnh An Giang còn quan tâm đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp các huyện miền núi, xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền các cấp, chế độ dành cho cán bộ đào tạo sau đại học trong và ngoài nước…
Trao đổi kinh nghiệm với đoàn công tác tỉnh An Giang, đại diện các sở, ngành của tỉnh cho biết, Phú Yên đã xin Chính phủ cơ chế thực hiện các dự án quan trọng trước khi đàm phán với nhà đầu tư; linh hoạt áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; sớm xây dựng danh mục những dự án cần kêu gọi đầu tư… Các sở, ngành cũng chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện một số chính sách Trung ương, triển khai đấu thầu dự án, cấp phép xây dựng theo quy hoạch chi tiết…
Kết thúc buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng ghi nhận những kinh nghiệm của tỉnh Phú Yên chia sẻ; đồng thời chỉ đạo cho các sở, ngành tỉnh An Giang học hỏi, đề xuất hướng giải quyết những khó khăn liên quan đến địa phương.
* Cùng ngày, Sở Công thương tổchức giao lưu thương mại giữa các doanh nghiệp của tỉnh Phú Yên và tỉnh An Giang. Theo Sở Công thương Phú Yên, năm 2012, tỉnh đạt giá trị sản xuất công nghiệp 6.600 tỉ đồng, tăng 15%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và thu dịch vụ xã hội đạt 14.675 tỉ đồng, tăng 24,2%. Các sản phẩm chính là đường, hải sản, quần áo may sẵn, rượu, bia, cà phê… Hiện, toàn tỉnh có 146 chợ, trong đó có 1 chợ loại 1, 7 chợ loại 2; 1 siêu thị kinh doanh tổng hợp; 1.230 doanh nghiệp kinh doanh thương mại; 19.000 hộ kinh doanh cá thể. Hệ thống phân phối chủ yếu là bán buôn, bán lẻ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, đại lý cấp 1; lượng hàng hóa nhập từ các tỉnh khá lớn.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết: Sản phẩm chủ đạo của An Giang là gạo và cá. Các sản phẩm sau chế biến đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, tỉnh đã tạo được nguồn vốn hỗ trợ cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Tại buổi giao lưu, các doanh nghiệp 2 tỉnh đã giới thiệu những sản phẩm của mỗi địa phương, nắm bắt thông tin thị trường nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
L.HẢO - K.ANH