Thứ Bảy, 05/10/2024 18:09 CH
TX Sông Cầu: Nhiều hộ vùng triều cường không chịu di dời
Thứ Năm, 08/08/2013 14:00 CH

Sống trong vùng ảnh hưởng triều cường xâm thực nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, thế nhưng người dân ở các xã Xuân Thịnh, Xuân Hòa, Xuân Hải (TX Sông Cầu) không di dời đến nơi ở mới.

 

tu--nham-130808.jpg

Một ngôi nhà thuộc diện di dời do ảnh hưởng triều cường ở thôn Từ Nham - Ảnh: H.NAM

MỨC HỖ TRỢ THẤP

 

Cách đây 10 năm, nhà ông Nguyễn Tấn Tụ ở xóm Giành, khu vực Bãi Trước, thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh) luôn bị sóng biển uy hiếp. “Đến mùa biển động, triều cường xâm thực nên chúng tôi phải cơi nới vật dụng lên cao rồi cả nhà đi ở nhờ nhà người khác. Có những cơn sóng lớn ập vào nửa vách nhà, ngọn sóng phủ đụng mái tôn. Có khi nửa đêm, cả nhà thức giấc đi đến nhà người quen trú nhờ”, ông Tụ nhớ lại.

 

Sóng biển luôn uy hiếp đến tính mạng, tài sản, gia đình ông Tụ phải di dời đến nơi ở mới cạnh Trường tiểu học Từ Nham. Nhà ở cách xa biển, đến mùa mưa bão cả gia đình ông được ngủ ngon giấc, không phải như trước kia nơm nớp lo sợ. Hiện nay ông Tụ vẫn bám nghề đi biển, hằng ngày bơi thúng chai câu cá, mực mưu sinh.

 

Không riêng nhà ông Tụ mà nhiều ngôi nhà ở Bãi Trước cũng bị triều cường uy hiếp, vì vậy UBND TX Sông Cầu quy hoạch khu dân cư cạnh Trường tiểu học Từ Nham để người dân sống trong vùng triều cường đến nơi ở mới có cuộc sống ổn định. Theo phương án di dời, các hộ đủ điều kiện được cấp 1 lô đất và hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, thế nhưng từ khi khu dân cư hoàn tất mặt bằng đến nay hơn 1 năm, nhiều lô đất vẫn còn bỏ trống.

 

Ông Lê Văn Son ở Bãi Trước, có nhà trong diện di dời cho hay: “Tôi vừa vay mượn tiền bà con xây ngôi nhà trên 200 triệu đồng, nhưng khi di dời Nhà nước chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng, số tiền này chỉ đủ tháo dỡ, vận chuyển đồ đạc”. Cạnh đó, ông Trần Văn Loan cũng lo lắng: “Với 10 triệu đồng hỗ trợ di dời đến nơi ở mới chỉ đủ xây dựng công trình phụ, còn nhà ở phải bỏ tiền túi nhưng gia đình tôi không có tiền”.

 

Cùng dãy nhà ông Son, ông Loan, ngôi nhà ông Nguyễn Văn Thiện ở Bãi Trước cách bờ biển khoảng 15m. Ông Thiện cho hay: “Năm bão lớn, sóng đánh tràn lên bờ, nước biển chảy lênh láng tràn vào sân nhà. Ngoài ngôi nhà kiên cố, gia đình tôi còn có hàng dừa, đất ở phía trước mà hỗ trợ thấp quá nên không thể di dời”.

 

Khác với những hộ trên, ngôi nhà ông Huỳnh Hai cũng ở gần Bãi Trước, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi di dời đến nơi ở mới, hộ ông Hai nằm trong diện giao đất có thu tiền. Tuy nhiên, đời sống ông Hai có nhiều khó khăn nên không có tiền mua đất. “Tôi ở một mình ở đây gần 20 năm rồi, hàng ngày tôi làm thợ cắt tóc, bữa có khách, bữa không. Cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày”. Ngôi nhà ông Huỳnh Hai, xung quanh dừng tấm bạt, mùa mưa bão nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

 

Theo thống kê của UBND xã Xuân Thịnh, có 31 hộ nằm trong khu vực ảnh hưởng triều cường nhưng đến nay có 21 hộ chịu di dời, trong đó có 13 hộ giao đất không thu tiền, 8 hộ giao đất có thu tiền.

 

Tương tự, tại thôn Hòa An, xã Xuân Hòa có 34 hộ được bố trí tái định cư thì chỉ có 2 nhà di dời xây dựng nhà ở và nhận tiền hỗ trợ. Còn tại thôn 2, xã Xuân Hải có 31 hộ thì mới giao đất cho 5 hộ. Nguyên nhân dẫn đến những hộ này không chịu di dời, ngoài việc mức hỗ trợ thấp 10 triệu đồng/hộ, còn có nguyên nhân khác, đó là nơi ở mới xa biển, việc vận chuyển ngư cụ gặp nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Liên ở thôn Hòa An giãi bày: “Mỗi lần tàu về bến, cả gia đình xúm ra khuân vác đưa lưới cụ, cá mực về. Còn lên chỗ ở mới cách xa biển phải thuê xe vận chuyển”.

 

THÁO GỠ KHÓ KHĂN

 

Theo quan sát của chúng tôi, tại thôn Hòa An, mức độ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhiều gia đình gần biển mua bao tải vô cát đắp làm kè chắn sóng, số tiền đầu tư lên đến hàng triệu… Thế nhưng, khi vận động di dời đến nơi ở mới, bà con đồng ý đến nhưng với điều kiện không giao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất cũ, vì họ yêu cầu được sinh sống ở nhà cũ mùa không có bão để thuận lợi trong việc vận chuyển ngư cụ.

 

Theo UBND TX Sông Cầu, dự án bố trí dân cư phục vụ công tác di dân thuộc vùng triều cường, do đặc thù địa hình ven biển, người dân ở vùng này xây nhà kiên cố có giá trị lớn, vì vậy khi thực hiện di dời mà không được đền bù giá trị đất và tài sản có trên đất nên người dân không đồng thuận. Riêng một số hộ dân ở thôn Xuân Hòa nằm trên khu vực dự án xây kè chống xói lở đầm Cù Mông nên người dân không muốn di dời, vẫn ở chỗ cũ để khi thu hồi đất triển khai dự án xây kè thì được đền bù, hỗ trợ… Do đó, các dự án di dời dân đang gặp khó khăn, kém hiệu quả.

 

Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho hay: Nhân dân chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của thiên tai. Thời gian đến, các địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động những hộ nằm trong vùng triều cường nhận đất đến nơi ở mới. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát các hộ nghèo không có đất lập danh sách để UBND thị xã xem xét bố trí vào khu tái định cư. “Đối với những hộ dân đề nghị giữ lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất cũ để dùng nhà cũ làm kho chứa ngư cụ, đồng thời sinh sống mùa không có bão, UBND thị xã đã kiến nghị lên Sở NN-PTNT tham mưu với UBND tỉnh cho chủ trương giải quyết, sớm hoàn thành công tác di dời dân trong năm 2013”.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek