Sau 5 năm quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), kinh tế nông thôn huyện Sông Hinh chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chú trọng nhân rộng một số mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; tạo được những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung quy mô lớn như cao su, hồ tiêu, cà phê, sắn, mía…
Nông dân huyện Sông Hinh thu hoạch cà phê - Ảnh: N.CƯỜNG
Ông Hoàng Đức Khang ở thôn Tân Bình, xã Ea Ly cho hay: “Những năm gần đây được sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn đầu tư và định hướng sản xuất, gia đình tôi trồng được 5ha cao su, 4ha cà phê, 1ha lúa nước 2 vụ, mỗi năm nuôi khoảng 3 đến 4 lứa heo, nuôi khoảng vài trăm con gà… Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ổn định, bình quân mỗi năm thu được vài trăm triệu đồng, đủ lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Theo bà Ma Thị Liên, Phó chủ tịch UBND xã Ea Lâm, toàn xã có 556 hộ với gần 3.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 95% dân số của xã. Là xã nghèo nhất của huyện, trước đây đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, các cấp ngành của huyện và xã đã tổ chức quy hoạch lại cơ cấu sản xuất, hướng dẫn bà con làm kinh tế. Đến nay, bên cạnh mở rộng diện tích sản xuất lúa nước, bà con nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư trồng cao su, mía, nuôi bò thâm canh… Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Trong 5 năm qua, kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đúng mức, hệ thống giao thông được nâng cấp, hầu hết các tuyến giao thông đến trung tâm các xã được thảm nhựa, trên 300km giao thông nông thôn được bê tông hóa hoặc cấp phối; mạng lưới trường lớp học được đầu tư xây dựng với tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 81,5%; 100% thôn, buôn, khu dân cư được phủ lưới điện quốc gia với 98,5% hộ dân sử dụng điện; mạng lưới thông tin liên lạc đã phủ rộng khắp các địa bàn dân cư; cơ sở vật chất của tuyến y tế cơ sở tiếp tục được đầu tư xây dựng; vấn đề thiếu nước sinh hoạt ở một số nơi đã được giải quyết. Hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Hiện nay toàn huyện có 25 công trình, trong đó có 19 hồ chứa và đập dâng, 2 công trình thủy lợi sau thủy điện và 4 trạm bơm với tổng năng lực tưới thiết kế gần 1.400ha; số hộ có phương tiện nghe nhìn, internet, điện thoại tăng đáng kể, góp phần nâng cao dân trí cho người dân; nhà văn hóa thôn, buôn hiện cũng đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định.
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực tại chỗ; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, phát triển hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất, đủ bản lĩnh để làm chủ nông thôn mới. Hy vọng trong thời gian tới, lĩnh vực “tam nông” trên địa bàn huyện Sông Hinh sẽ có nhiều khởi sắc.
NGỌC CƯỜNG