Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi 200.000ha lúa sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, việc chuyển đổi mô hình cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả có ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh lương thực?
- Đây là vấn đề chiến lược, đồng thời cũng là những vấn đề cấp bách hiện nay. Triển khai đề án theo chủ trương của Chính phủ thì Bộ NN-PTNT đã ban hành kế hoạch hành động và có chỉ thị giao nhiệm vụ cho các cơ quan trực thuộc bộ, các địa phương. Chủ yếu chúng ta đang khuyến khích chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang diện tích trồng bắp và các cây trồng khác để phục vụ nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi mà hiện nay chúng ta đang phải nhập khẩu nhiều. Căn cứ vào hướng chuyển đổi thì chúng ta đưa ra được những quy hoạch, công thức luân canh phù hợp với từng loại đất, theo tập quán từng vùng, địa phương để làm sao phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhưng vẫn phải gắn với thị trường.
* Thưa ông, sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ban, ngành và địa phương thì ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các biện pháp gì để Đề án tái cơ cấu ngành đi vào cuộc sống, tạo sự tin tưởng và nâng cao thu nhập cho người dân?
- Thứ nhất là chúng ta phải đảm bảo có những tiến bộ kỹ thuật đặc biệt là giống, canh tác, để nâng cao năng suất cây trồng cũng như hiệu quả trên diện tích đất.
Thứ hai là phải có giải pháp về tổ chức sản xuất, đặc biệt là liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người sản xuất nguyên liệu, cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa doanh nghiệp thu mua chế biến và người sản xuất công bằng, phù hợp nhất.
Thứ ba là phải có giải pháp về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hạ tầng cho những vùng sản xuất tập trung chuyển đổi; có những chính sách khuyến khích chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt là giống mới, cũng như là các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác canh tác vào trong sản xuất; kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân sản xuất.
Thứ tư cần một chính sách hỗ trợ về bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị, tránh tổn thất trong và sau quá trình thu hoạch; chúng ta cũng cần một chính sách tín dụng làm sao hỗ trợ lãi suất ưu đãi để người sản xuất có thể phát huy khả năng của mình để tăng cường khả năng cạnh tranh.
* Thưa ông cần phải làm gì để thực hiện điểm mới trong Đề án tái cơ cấu ngành là tăng cường sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân?
- Trong thời gian tới, theo tôi cần thiết phải bổ sung thêm một số chính sách khác như: hỗ trợ về xúc tiến thương mại, có những cơ chế chính sách làm sao cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được nghiên cứu và chuyển giao nhanh cho doanh nghiệp, giảm thủ tục, chi phí.
Hiện nay, những tiến bộ kỹ thuật của chúng ta không thiếu nhưng những tiến bộ kỹ thuật này đến sản xuất, đến doanh nghiệp thì chúng ta vẫn đang gặp phải khó khăn. Chúng ta sẽ tháo gỡ về cơ chế chính sách để làm sao những tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu không phải để trong ngăn kéo, mà phải đưa cho các doanh nghiệp, chỉ có các doanh nghiệp này kết hợp với tư duy năng động, sáng tạo và nắm bắt tín hiệu thị trường tốt, những doanh nghiệp này sẽ được tự do trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như nâng cao hiệu quả bằng việc liên kết với người sản xuất.
* Xin cảm ơn ông!
(VOV)