Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, huyện Sơn Hòa đã có những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nông dân Sơn Hòa làm cỏ sắn - Ảnh: T.HƯƠNG
Sau khi có Nghị quyết số 26/NQTW và Chương trình hành động số 30/CTr/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Huyện ủy Sơn Hòa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Các tổ chức cơ sở đảng cũng đã quán triệt cho đảng viên và cán bộ nắm được tinh thần các mục tiêu và giải pháp về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn. UBND huyện Sơn Hòa cũng đã quán triệt đến tất cả các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn những nội dung như: Thống nhất về nhận thức nông nghiệp, nông dân và nông thôn; triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng rà soát, điều chỉnh xây dựng mới quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng nông thôn mới có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch, bảo vệ môi trường sinh thái…Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), huyện Sơn Hòa đã có những chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa: Diện tích lúa nước của huyện đạt 1.549ha với những bộ giống chất lượng như TH, Ma Lâm và gần đây là PY, cho năng suất bình quân 58,41 tạ/ha. Diện tích mía năm 2012 đạt 10.508ha, sản lượng mía cây cả năm đạt 718.000 tấn, năng suất bình quân 68,33 tấn/ha. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng nên đời sống của người dân đã nâng lên đáng kể. Ông Ma Nhơ ở thôn Đoàn Kết, xã Suối Trai cho biết: “Mấy năm gần đây, được sự hướng dẫn tận tình của ngành nông nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn đầu tư, định hướng sản xuất…, gia đình tôi đã trồng được 3ha mía và một ít diện tích sắn nên có thu nhập ổn định. Đặc biệt trong vụ mía năm 2011-2012, gia đình thu nhập được gần 100 triệu đồng, số tiền mà trước đây có làm lụng, dành dụm cả chục năm cũng không có được.
Hiện nông thôn huyện miền núi Sơn Hòa có nhiều đổi thay. Các xã đều có đường bê tông đến trung tâm xã, có đường ô tô đến tận các buôn làng; các thôn, buôn đều có nhà rông văn hóa và các khu sinh hoạt cộng đồng; có trạm y tế hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, có điện, hầu hết các gia đình đã có ti vi… Ông Ra Lan Nhiên ở buôn Lé B, xã Krông Pa cho hay: Nhiều tuyến đường bê tông của xã đã giúp người dân đi lại thuận tiện. Việc vận chuyển nông sản tiêu thụ cũng dễ dàng, đời sống người dân ngày một phát triển hơn. Còn Ma Thoại, trưởng thôn Hoàn Thành, xã Suối Trai thì cho hay, nhờ làm kinh tế ổn định nên các gia đình đều cho con em đến trường, cuộc sống người dân ngày một khá hơn, phần lớn các gia đình đều có ti vi, xe máy… Theo Kpá Thinh, Chủ tịch UBND xã Suối Trai, xã có 442 hộ dân với hơn 2.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 97% dân số của xã. Trước đây, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn vì chưa biết làm kinh tế. Từ khi đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, các cấp ngành của huyện và xã đã tổ chức quy hoạch lại cơ cấu sản xuất, hướng dẫn bà con làm kinh tế. Đến nay xã đã trở thành vùng nguyên liệu mía của nhà máy đường, cây mía trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con thoát đói nghèo, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Trong 5 năm qua, huyện Sơn Hòa đã huy động nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án… để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương thức sản xuất… Ước tính tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện từ năm 2009 đến 2013 khoảng hơn 130 tỉ đồng. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tăng cường chỉ đạo cho các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án có hiệu quả. Huyện tập trung huy động các nguồn lực xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
THỦY TIÊN