Từ khi khởi công đến nay, Dự án Khu du lịch Bãi Xép liên tục gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Trong đó có khu vực gành Bà, được một số hộ dân cho là đã sản xuất lâu năm cần phải được đền bù thỏa đáng. Sự việc khiến các cấp chính quyền mất nhiều thời gian kiểm tra, giải thích, tuyên truyền các hộ gia đình thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Một góc Khu du lịch Bãi Xép - Ảnh: P.NAM
KHÔNG ĐỀN BÙ VÌ ĐẤT KHÔNG HỢP LỆ
Chúng tôi đến thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn, Tuy An) sau khi người dân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên các cấp, ngành chức năng kiến nghị việc đền bù, hỗ trợ của Nhà nước và nhà đầu tư Dự án Khu du lịch Bãi Xép để tìm hiểu rõ sự việc. Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh khu vực dự án có khá đông người dân sinh sống, chủ yếu làm nghề biển. Có điều lạ là cửa chính vào Khu du lịch Bãi Xép luôn phải đóng kín. Muốn ra vào, du khách phải đi qua con đường đất kề bên hông cửa chính; trong khi đó, nhiều đoạn tường rào bao quanh khu du lịch được xây dựng theo kiểu “hình sin”, đâm ra, thụt vào rất phản cảm. Tìm hiểu được biết, do một số hộ gia đình chưa chấp nhận phương án đền bù, hỗ trợ đất nên nhà đầu tư đành phải chấp nhận xây dựng theo kiểu “xong đến đâu làm đến đó”.
Để chứng minh đất sản xuất “hợp pháp”, bà Nguyễn Thị Tùng cho chúng tôi xem “Giấy xác nhận quyền sử dụng đất vườn” do chồng bà là ông Lê Văn Hai đứng tên có nội dung: “Nay tôi viết giấy này kính trình UBND xã An Chấn chứng nhận cho tôi về lô đất vườn có sơ đồ địa chính kèm theo, thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình chúng tôi tại tờ bản đồ số 17, thửa số 73, diện tích 1.180m2 không có tranh chấp với tứ cận đông, tây, nam, bắc đầy đủ”, do ông Dương Hồng Châu, Chủ tịch UBND xã An Chấn ký ngày 24/6/2003. Sau đó, bà Tùng đưa chúng tôi đến thực địa khu đất trên tại gành Bà nằm trong vùng Dự án Khu du lịch Bãi Xép. Theo bà Tùng, khu đất này được gia đình bà khai hoang từ năm 1976 để trồng dưa, bắp và đậu phộng. Nay Nhà nước giao Công ty Sao Việt xây dựng Dự án Khu du lịch Bãi Xép, nhưng do hỗ trợ đất với giá quá thấp nên gia đình không đồng ý.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Lanh và một số hộ khác cũng có “giấy tờ” như bà Tùng. Theo nhiều người dân, trước kia tại khu vực này, mọi người chất bờ bao bằng đá để chắn gió, cát nhưng cách đây khoảng 15 năm những người đi cộ bò đến bốc, vận chuyển đá đi hết nên bà con không sản xuất nữa.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, “Giấy xác nhận quyền sử dụng đất vườn” do ông Châu ký là sai với quy định của Luật Đất đai. Ông Châu đã bị Huyện ủy Tuy An thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách vào ngày 23/10/2012, với lý do việc làm của ông này là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, ảnh hưởng đến chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án, vi phạm những điều đảng viên không được làm…
Theo ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng phòng TN-MT huyện Tuy An, đối với đất không có giấy tờ, sử dụng trước ngày 15/10/1993, theo quy định tại Điều 44 Nghị định 84 ngày 25/5/2007 của Chính phủ thì trước hết đất phải được sử dụng ổn định nhưng không vi phạm tại Khoản 4, Điều 4 (cụ thể như vi phạm các quy định về quy hoạch chi tiết, hành lang an toàn các công trình, hành lang an toàn giao thông; vi phạm về lấn, chiếm các loại đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của các tổ chức quản lý, “đất chưa sử dụng”). Theo ông Khiêm, đất rừng phòng hộ và đất lấn chiếm thì không được bồi thường. Đối với các loại đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa cấp giấy chứng nhận mà có các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 50 của Luật Đất đai thì được bồi thường theo mục đích ghi trên giấy tờ đó. Trong vùng Dự án Khu du lịch Bãi Xép có 51 trường hợp được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, trong đó có 49 trường hợp là hộ gia đình, cá nhân và 2 trường hợp là UBND xã An Chấn và đồn biên phòng. Còn đất tại gành Bà, trước đây người dân tự khai hoang, trong quá trình sản xuất, do đất cằn cỗi nên người dân đã bỏ hoang nên chỉ được hỗ trợ. Qua hai lần đo đạc địa chính vào năm 1994 và năm 1998, khu vực này thể hiện đất chưa sử dụng (hiện trạng đất bỏ hoang) do UBND xã An Chấn quản lý hồ sơ địa chính và đoàn thanh tra huyện cũng đã hai lần kiểm tra việc này tại UBND xã theo đơn kiến nghị của người dân. Còn việc 19 hộ dân làm đơn kiến nghị, nhưng chỉ có 11 trường hợp được giải quyết là do sau khi có đơn tập thể, UBND huyện Tuy An thành lập đoàn thanh tra tiến hành làm việc với từng hộ dân và hướng dẫn viết đơn riêng từng người. Sau đó có 11 người chấp hành viết đơn riêng, 8 trường hợp còn lại không có đơn gửi UBND huyện nên không có cơ sở để giải quyết.
Có hộ tự trồng trụ xi măng khẳng định “chủ quyền” đất tại gành Bà - Ảnh: P.NAM
CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI SỐNG DÂN SINH?
Ngoài đất sản xuất tại khu vực gành Bà, nhiều hộ dân trong vùng còn cho rằng, Dự án Khu du lịch Bãi Xép gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, như làm cản trở đường dân sinh xuống biển, mất tự do đi lại hoặc thu tiền ra vào bãi tắm…
Trả lời vấn đề này, bà Trần Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt khẳng định, không có chuyện thu tiền của dân khi vào tắm ở khu vực Bãi Xép, công ty chỉ thu tiền du khách tắm nước ngọt với giá 20.000 đồng/lần. Cũng theo bà Tâm, trước đây người dân không hề tắm ở khu vực này, nhưng từ khi Công ty TNHH Sao Việt làm sạch bãi biển và đường bê tông thì họ mới đến tắm. Bà Tâm cho rằng, khi dự án hoàn thành mà để người dân ra vào tự do gây khó khăn trong quản lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, công ty cũng sẽ tạo điều kiện cho người dân xuống bãi tắm bằng con đường riêng. Đối với con đường dân sinh xuống biển mà người dân cho rằng bị “phong tỏa”, bà Tâm cho hay, trong quy hoạch được duyệt của UBND tỉnh không có con đường này.
Khi được hỏi tại sao tường rào bao quanh có đoạn đâm ra, thụt vào làm mất mỹ quan khu dân cư? Bà Tâm cho biết, trong quá trình giao đất, một số hộ chưa chịu nhận tiền bồi thường vì đòi giá quá cao nên công ty không thể đáp ứng. Đơn cử như hộ ông Lê Văn Hai, giá bồi thường chỉ có 117 triệu đồng nhưng gia đình đòi thỏa thuận 500 triệu đồng nên nhà đầu tư không đồng ý. Theo bà Tâm, nếu nhà đầu tư chấp nhận giá thỏa thuận quá cao thì không những chính mình gặp khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác theo chủ trương của UBND tỉnh. Về bồi thường, hỗ trợ phải xác định đất thuộc loại gì, nếu người dân sinh sống, gắn liền với đất sản xuất tại gành Bà liên tục nhiều năm thì giá hỗ trợ sẽ khác chứ không phải như bằng “một ổ bánh mì/m2 đất” như một số báo nêu. Thực tế, đất ở gành Bà không có giấy tờ hợp pháp, lại cằn cỗi, bỏ hoang nhiều năm. Quan điểm của nhà đầu tư và được sự thống nhất của UBND tỉnh, theo từng loại đất, sẽ hỗ trợ tương xứng với giá trị thực. Vì vậy, đất ở gành Bà không thể hỗ trợ cao hơn một số loại đất sản xuất hiệu quả.
-------------------------
Bài cuối: Cần xử lý dứt điểm
Cơ cấu từng loại đất trong vùng Dự án Khu du lịch Bãi Xép gồm đất quốc phòng, an ninh 5.685m2 và đất do UBND xã An Chấn quản lý 237.008m2. Trong đó đất rừng phòng hộ 115.448m2 đất rừng sản xuất 833m2, đất giao thông 3.310m2, đất sông suối 581m2, đất nghĩa địa 183m2, đất đồi chưa sử dụng 85.591m2, đất bằng chưa sử dụng 31.032m2. Đối với hộ gia đình, cá nhân: 7.307m2, trong đó đất ở nông thôn 508m2, đất trồng cây hàng năm khác 2.267m2, đất trồng cây lâu năm 2.805m2, đất rừng sản xuất 773m2, đất rừng phòng hộ 923m2. Dựa trên cơ sở này, Hội đồng bồi thường của huyện căn cứ các quy định của Luật Đất đai và các văn bản liên quan về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện. (Theo Quyết định số 912 ngày 22/5/2009 của UBND tỉnh) |
ANH KIỆT - PHƯƠNG NAM