Thứ Sáu, 04/10/2024 06:28 SA
Bê tông hóa giao thông nông thôn:
Dân đã hiến đất, đường... chờ xi măng
Thứ Tư, 10/07/2013 08:23 SA

Theo đề án xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh hỗ trợ 100% xi măng, cống qua đường, chi phí vận chuyển, kinh phí quản lý làm đường giao thông nông thôn, còn lại xã và nhân dân chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, thi công và các chi phí khác. Thế nhưng khi bắt đầu triển khai thực hiện đề án thì nguồn xi măng cung cấp không kịp thời.

duong130710.jpg

Tuyến đường thôn Mỹ Thạnh 1, xã Hòa Phong (Tây Hòa) được người dân hiến đất góp công sức làm xi măng bê tông - Ảnh: H.NAM

ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ SẴN SÀNG

Hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã trở thành một phong trào rộng lớn của nhiều địa phương trong tỉnh, được người dân đồng tình hưởng ứng cao. Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ việc đầu tư của các chương trình dự án của Nhà nước, các địa phương phát huy nội lực cộng đồng, làm tốt công tác tuyên truyền nên thời gian qua, phong trào nhân dân hiến đất và tài sản trên đất có giá trị lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đang phát triển rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi.

Tại xã Hòa Phong (Tây Hòa), con đường từ cầu Ba Thu đến chùa Thanh Hương, thôn Mỹ Thạnh Đông 2 đang thi công. Ông Nguyễn Văn Thu, nhà ở đầu đường cho biết: “Nhà tôi tính ra không hưởng lợi từ con đường này bao nhiêu nhưng vì bà con, tôi hiến một góc ruộng trồng rau muống để mở rộng khúc cua phía đầu đường tiếp giáp với đường lớn”. Cũng theo ông Tân, đây là con đường liên xóm, có đoạn xuyên qua cánh đồng. Đường cũ nâng cấp phối lâu ngày hư hỏng nặng, mùa mưa có nơi mặt đường trũng, nước ngập sâu đến đầu gối, trẻ con đi học phải xắn quần, xách dép lội sình. Vì vậy, nghe tin đổ đường bê tông trong xóm, ai cũng mừng.

Còn ở xã Hòa Tân Tây (Tây Hòa), theo thống kê của UBND từ năm 2012 đến nay, nhân dân tự nguyện hiến 2.500m2 đất để nâng cấp, mở rộng 11 tuyến đường. Cụ thể như hộ bà Đào Thị Chi, hiến gần 84m2 đất, bà Nguyễn Thị Hánh hiến 68m2 và hộ ông Đào Lựu hiến 61m2. Ông Phạm Phi Lệnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây, cho biết: “Thời gian qua đã huy động trong nhân dân đóng góp trên 1,4 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có phần dân hiến đất và tài sản gắn liền trên thửa đất. Địa phương đã tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển toàn diện bền vững về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vì vậy người dân đồng thuận tham gia mạnh mẽ”.

Ở huyện miền núi Đồng Xuân, nhiều người dân xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc cũng đồng tình hiến đất, tham gia ngày công lao động cùng chính quyền địa phương xây dựng đường mới. Theo kế hoạch, năm nay hai xã này bê tông hóa trên 9km.

Xóm nhà thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 nằm dọc chân núi, không còn quỹ đất xây dựng nhà ở vì không có đường giao thông. Theo đề án tỉnh hỗ trợ 100% xi măng làm đường giao thông nông thôn, người dân trong xóm thống nhất ký biên bản cam kết tự nguyện hiến đất làm mới tuyến đường từ đội 1 đến đội 7, chạy dọc phía sau xóm nhà song song với trục đường phía Tây Phú Yên (đoạn qua thôn Phước Nhuận) để mở rộng khu dân cư. Còn xóm Hóc Son, thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) nằm dưới chân núi Hòn Đình, hàng ngày người dân ở đây đi trên con đường đất nhỏ hẹp qua cánh đồng đến đường huyện. Khi nghe xã phát động phong trào làm đường, người dân trong xóm tự “giăng dây, cắm mốc” chặt cây cối trong vườn tự nguyện hiến đất. Ông Trương Long, một người dân ở xóm Hóc Son, cho hay: “Đường mở rộng lại bê tông xi măng, bà con trong xóm đồng tình, trúng đất sản xuất hay đất ở của gia đình nào thì gia đình ấy tự nguyện tháo dỡ. Lâu nay con đường vào xóm nhỏ, xe tải không đi được, nông sản gánh gồng hoặc vận chuyển bằng xe máy. Con đường hoàn thành không chỉ góp phần làm đẹp nông thôn mà việc vận chuyển nông sản cũng sẽ dễ dàng, con em đi học thuận lợi”.

Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 Lâm Văn Minh cho hay: “Thông qua các cuộc họp tuyên truyền, đảng viên và nhân dân trong xã nhất trí đồng lòng hiến đất làm đường. Nghe tin mở rộng đường thảm bê tông trước nhà, người dân tự đo đạc rồi tháo dỡ một phần sân nhà để làm đường thông thoáng”.

ĐƯỜNG… CHỜ XI MĂNG

Theo kế hoạch, mỗi năm toàn tỉnh bê tông hóa khoảng 500km đường, đến năm 2015 có từ 70-100% các tuyến đường từ xã đến trung tâm thôn được bê tông hóa”.

Theo kế hoạch, bê tông hóa đường giao thông bắt đầu triển khai từ tháng 6, trước đó các địa phương cũng đã đăng ký nhu cầu sử dụng xi măng. Thế nhưng khi bắt đầu triển khai thì nguồn xi măng không đáp ứng kịp, nhiều tuyến đường vì thiếu xi măng nên thi công dang dở.

Tại xã Hòa Phong (Tây Hòa), tuyến đường từ cầu Ba Thu đến chùa Thanh Hương thuộc thôn Mỹ Thạnh Đông 2 dài 416m do thiếu xi măng nên mới thi công hơn phân nửa. Những đống cát sạn tập kết chờ xi măng để thi công nằm cạnh đường, người dân kéo chà gai tre phủ qua sợ xe qua lại chài cát xuống ruộng. Ông Nguyễn Lộc, một người dân ở Mỹ Thạnh Đông 2 cho biết: “Con đường này được đổ bê tông nhưng niềm vui người dân chưa trọn vì đang đi ngon lành bỗng tới đoạn đường cũ sập ổ gà, ổ voi. Có thời điểm lưu lượng xe qua lại nhiều cuốn bụi mịt mù, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân quanh vùng”.

Tương tự, tuyến từ nhà ông Nguyễn Dạn đến bờ vùng Núi Cát thuộc thôn Mỹ Thạnh Đông 1 cũng thuộc xã Hòa Phong, dài 285m nhưng chỉ mới đổ bê tông 20m rồi dừng lại do thiếu xi măng. Theo kế hoạch, tháng 6, xã Hòa Phong tiến hành bê tông hóa trên 2.000m đường giao thông nông thôn, với số lượng xi măng đăng ký là 379 tấn, tuy nhiên chỉ nhận 335 tấn xi măng. Ông Ngô Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho hay: “Hôm đổ bê tông nửa chừng thì hết xi măng, công nhân phải kéo máy trộn, vác xẻng cuốc về. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ xi măng kịp thời để thi công dứt điểm các tuyến đường dang dở”.

Còn tại xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) trong tháng 6 thi công 8 tuyến giao thông nông thôn, nhu cầu sử dụng xi măng 234 tấn, nhưng đến đầu tháng 7 chưa nhận được xi măng, trong khi đó các tuyến đường địa phương vận động nhân dân đã giải tỏa xong mặt bằng. Tuyến qua thôn Hiệp Đồng, thôn trũng sâu nhất của xã Hòa Xuân Đông thường hay bị ngập lụt nên nhân dân họp thống nhất thi công trong tháng 6. Thời gian qua, nhân dân đã đổ đất nền nhưng chờ hoài không thấy xi măng, bụi cuốn mịt mù trên đường.

Không chỉ tuyến đường theo kế hoạch thi công trong tháng 6 giải tỏa mặt bằng và nâng cấp phối xong mà các tuyến dự kiến thi công trong tháng 7 cũng đã hoàn tất các công đoạn ban đầu nhưng đang “khát xi măng”. Cụ thể, tuyến từ dốc trạm y tế xã đến nhà ông Lê Long ở thôn Thạch Tuân 1 (Hòa Xuân Đông), người dân đổ đất nền, có đoạn trước đây nhỏ hẹp phải mở rộng lấn sang ruộng rau muống, dùng đá chất dãy dài làm kè để đổ đất. Người dân tự giác giải tỏa mặt bằng trông ngóng làm đường, trong khi đó xi măng không đáp ứng làm nhiều người dân xã Hòa Xuân Đông bức xúc. Ông Trương Khi ở thôn Bàn Thạch nhiều lần đến UBND xã “hỏi thăm” bao giờ có xi măng làm đường vì lo ngại mùa mưa gần đến. Còn ông Nguyễn Tấn Hùng, Trưởng thôn Phú Khê 1, tuần nào đến họp giao ban ông cũng nêu ý kiến hối thúc thi công làm đường bê tông vì dân đang trông chờ. Phó chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông Phạm Văn Khánh cho biết: “Thời gian qua, nhân dân mong muốn được làm đường bê tông nông thôn nên đến xã liên hệ, chúng tôi chỉ trả lời chờ huyện phân bổ. Trong tháng 7 nhu cầu đăng ký xi măng toàn xã là 192 tấn, cộng số lượng tháng 6 chưa nhận, số lượng xi măng lên đến trên 400 tấn”.

hoa-phong130710.jpg

Tuyến đường thôn Mỹ Thạnh Đông 2, xã Hòa Phong (Tây Hòa) thi công dang dở do hết xi măng - Ảnh: H.NAM

LO NGẠI KÉO DÀI ĐẾN MÙA MƯA

Theo thống kê của UBND huyện Đông Hòa, tháng 6 các xã đăng ký xi măng để bê tông hóa đường giao thông nông thôn là 924 tấn nhưng chỉ mới nhận 337 tấn. Số xi măng “khiêm tốn” này ưu tiên giao cho 2 xã điểm Hòa Thành, Hòa Tân Đông. Như vậy trong tháng 6 còn thiếu 587 tấn xi măng chưa được phân bổ, cộng với tháng 7 nhu cầu đăng ký 818 tấn, cộng dồn 2 tháng trên 1.400 tấn. Ông Nguyễn Phụng Hoàng, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa lo lắng: “Xi măng thiếu hụt, dồn tháng trước qua tháng sau rồi cứ thế lùi lại đến tháng mưa thì khó khăn cho địa phương vì có một số xã vùng trũng ngập lũ không thể thi công được, chậm kế hoạch đăng ký ban đầu”.

Theo Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, nhu cầu đăng ký bê tông các huyện trong tháng 6 là 5.774 tấn, nhưng chỉ mới phân bổ được 993 tấn cho huyện Đông Hòa, Tây Hòa. Trong tháng 7, con số đăng ký sử dụng xi măng 8.057 tấn, tuy nhiên bước đầu Sở GTVT hứa giao khoảng 3.000 tấn. Ông Trần Hưng Lợi, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay: “Tháng 7 có số lượng đăng ký nhiều nhất vì đây là thời điểm nắng và tháng nông nhàn, người dân cần xi măng để làm đường. Điều lo ngại nhất là nếu tình trạng thiếu xi măng kéo dài, dồn số lượng đăng ký các tháng về sau thì sẽ trúng vụ gặt lúa, mùa mưa lại đến nên tiến độ thi công chậm, chất lượng công trình không đảm bảo”.

Triển khai thực hiện đề án bê tông hóa giao thông nông thôn theo quyết định của UBND tỉnh, Sở GTVT tổ chức cuộc họp với sự tham gia các bên liên quan và các địa phương bàn kế hoạch chi tiết triển khai công tác giao nhận xi măng, đồng thời hướng dẫn, giải đáp một số vướng mắc của địa phương. Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở GTVT, cuộc họp đã thống nhất, xi măng được giao tại địa điểm

gần trung tâm xã trên dưới 3km, đường phải đảm bảo xe trọng tải 5 tấn/xe. Việc bốc xếp xi măng từ xe xuống địa điểm tiếp nhận do địa phương trực tiếp đảm nhận, sau đó sở sẽ thanh toán lại. Mỗi tháng xi măng giao thành 2 đợt vào ngày 10 và 25 hàng tháng.

Tuy nhiên, khi triển khai thì nguồn xi măng không đáp ứng, mới đây các địa phương cũng nhận công văn Sở GTVT giải thích, khối lượng xi măng các huyện đăng ký, sở đã đề nghị Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành cung cấp trong tháng 6 là 3.000 tấn, tháng 7 là 11.000 tấn. Thế nhưng, đơn vị cung cấp thông báo trong tháng 7 chỉ có 3 tàu chở xi măng cập cảng Vũng Rô, tương đương 3.000 tấn. Thời gian tàu cập cảng lại không định trước, vì vậy để chủ động triển khai thực hiện đúng tiến độ cung cấp xi măng, Sở GTVT căn cứ tàu chở xi măng của Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành cập cảng Vũng Rô thông báo đến các địa phương tiếp nhận xi măng trước 24 giờ.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc:

Chủ trương hỗ trợ xi măng để các địa phương thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn là một chủ trương lớn của Tỉnh ủy nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn. Vì thế yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp tốt thực hiện đề án. Sở GTVT có trách nhiệm thiết kế mẫu, trình tự thi công đường, đảm bảo số km đường bê tông hóa giao thông nông thôn từng năm.

 

MẠNH HOÀI NAM - HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek