Gần 3 tháng nay, việc kinh doanh của tiểu thương tại một số chợ ở TP Tuy Hòa trở nên ế ẩm. Lợi nhuận không đủ trang trải các khoản chi phí, nhiều tiểu thương đành bỏ sạp.
Một điểm bán nước mắm ở chợ Tuy Hòa vắng người mua - Ảnh: K.ANH
SỨC MUA GIẢM
Khoảng 11g trưa, các sạp hàng thực phẩm, rau quả, bánh kẹo, trái cây… ở chợ Tuy Hòa, chỉ vài người qua lại. Tại một số quầy, chủ hàng tất tả dọn hàng vào thùng để đóng cửa sạp. Chị Nguyễn Thị Thu Nguyên, tiểu thương hàng tạp hóa cho biết: “Hiện nay, nhiều mặt hàng đã giảm lượng tiêu thụ, ế đến kinh ngạc. Buổi sáng còn có người mua nhưng đến gần trưa thì vắng khách, nhìn quanh quẩn chỉ còn lại người bán. Ngày nào cũng vậy nên đa số tiểu thương không dám nhập hàng, lượng hàng trưng bày ở các quầy ít hơn một nửa so với năm trước. Theo tôi, nguyên nhân là do gần đây có nhiều thông tin về hàng Trung Quốc, hàng giả khiến người dân lo ngại. Mặc dù chúng tôi không bán hàng Trung Quốc nhưng vì siêu thị ở gần chợ, nên phần lớn khách hàng cho rằng vào siêu thị mua hàng an toàn hơn”.
Dạo quanh các khu vực trong chợ Tuy Hòa, nhiều sạp hàng đã đóng cửa, các sạp còn lại hàng hóa trưng bày nghèo nàn và người đến mua thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vẻ lo lắng, sốt ruột hiện rõ trên từng gương mặt người bán. Bà Lê Thị Lựu, chủ một sạp trái cây, cho biết: “Nhiều tháng qua, giá cả không hề biến động, thậm chí còn thấp hơn trước nhưng lượng hàng bán ra rất chậm. Chúng tôi chỉ bán buổi sáng, còn buổi chiều chỉ bày hàng ra cho vui. Một ngày, tôi không bán được vài trăm nghìn, nên không dám trữ trái cây nhiều vì sợ hỏng, úng. Các sạp hàng quanh đây đã bỏ trống từ nhiều tháng nay”. Ở khu vực hàng quần áo may sẵn, mũ, túi xách, trang sức, việc buôn bán cũng không khá hơn. Chị Ngô Thị Lộc, tiểu thương hàng quần áo cho hay: “Nhiều ngày rồi, tôi chẳng bán được hàng. Khách hàng chỉ xem rồi bỏ đi. Không chỉ trong tháng này mà mấy tháng trước sức mua cũng chưa bằng 1/3 so với năm ngoái”.
TIỂU THƯƠNG CHÁN NẢN
Còn tại chợ phường 7, hiện có đến vài chục gian hàng bỏ trống vì tiểu thương kinh doanh không được, đang treo biển sang hoặc cho thuê sạp. Chị Nguyễn Thị Trinh, có một hàng tạp hóa tại chợ phường 7, TP Tuy Hòa đã bỏ trống nhiều tháng nay cho biết: “Tôi đầu tư vào gian hàng này gần 20 triệu đồng làm gian hàng; đóng tiền thuê mặt bằng 15 triệu đồng/năm; hàng tháng lại đóng thêm 90.000 đồng tiền phí quản lý chợ nhưng vẫn phải bỏ sạp vì buôn bán quá ế ẩm. Tôi đã treo biển sang hoặc cho thuê sạp mấy tháng nay nhưng vẫn chưa ai chịu sang lại, người muốn thuê thì trả giá quá thấp vì lý do chợ ế”. Chị Lê Thị Điệp, bán hàng quần áo trên đường Trần Hưng Đạo chia sẻ, trước kia tôi bán quần áo trong chợ Tuy Hòa nhưng chợ quá ế, người bán nhiều nhưng người mua ít; tiền bán hàng tháng không đủ đóng các khoản thuế chứ không nói đến tiền lãi. Chán nản, tôi đành bỏ sạp ra đây thuê mặt bằng kinh doanh.
Kinh doanh ế ẩm, các tiểu thương bỏ sạp, việc tìm người sang sạp cũng chưa được, còn các tiểu thương khác bám chợ lại lâm vào tình trạng khó khăn hơn. Anh Nguyễn Phi Hùng, chủ một gian hàng tạp hóa tại chợ phường 7, TP Tuy Hòa bày tỏ: “Mấy tháng nay, mỗi ngày vợ chồng tôi chỉ thu được 200.000-300.000 đồng tiền hàng, không đủ các khoản đóng phí chợ. Vợ chồng tôi không muốn kinh doanh nữa, mỗi tuần chỉ mở cửa bán hàng 3 đến 4 ngày và tìm hướng làm ăn khác những chưa biết làm gì vì đã dành vốn đầu tư hết vào 2 gian hàng này”.
Ông Nguyễn Chí Xanh, Trưởng ban Quản lý chợ Tuy Hòa cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình buôn bán tại chợ rất khó khăn do kinh tế suy giảm, các điểm bán hàng bên ngoài mọc lên rất nhiều; tại các chợ sức mua thấp, lượng hàng hóa tiêu thụ chậm, nhất là hàng hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép, bánh kẹo… Vì không đủ chi phí đã khiến cho hàng loạt tiểu thương bỏ sạp, sang sạp, nghỉ chợ. Trong 6 tháng đầu năm, Ban quản lý chợ đã hướng dẫn và giải quyết tạm nghỉ với lý do chính đáng cho 859 hộ, cho 18 hộ nghỉ hẳn hoặc sang nhượng quầy, sạp.
Còn theo Ban quản lý chợ phường 7, chợ có 285 gian hàng, nhưng hiện có đến 184 gian đang bỏ trống vì tiểu thương bỏ sạp hoặc chưa có người thuê.
KHANG ANH - NGÔ XUÂN