Hiện nay, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đang xảy ra trên đàn bò nuôi ở huyện Đồng Xuân và Tây Hòa, ngành thú y, các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp dập dịch. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh xung quanh vấn đề này.
Dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom chất thải chăn nuôi và xử lý bằng thuốc sát trùng góp phần hạn chế dịch lây lan - Ảnh: T.HƯƠNG
* Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch bệnh LMLM đang phát trên đàn gia súc. Nguyên nhân gây dịch là gì?
- Bệnh LMLM gia súc xuất hiện đầu tiên tại xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), sau đó lây lan nhanh sang các hộ nuôi lân cận, các thôn, xã giáp ranh. Đến nay, huyện Đồng Xuân đã có 11 thôn ở 6 xã có bò bị bệnh, với 222 con. Trong đó, UBND tỉnh đã công bố dịch tại xã Xuân Quang 3 và Xuân Lãnh. Còn ở huyện Tây Hòa, bệnh LMLM phát từ ngày 25/6 tại xã Hòa Mỹ Tây với 12 con bò mắc bệnh. Qua kiểm tra và theo dõi nhận thấy, bệnh phát ra và lây lan tại các thôn của các xã tiếp giáp nhau, các ổ dịch xảy ra lẻ tẻ, không có dấu hiệu lây lan mạnh. Sau một thời gian điều trị, nhiều gia súc đã khỏe trở lại, ăn uống bình thường, số gia súc mắc bệnh mới giảm dần. Hiện nay, tại xã Đa Lộc và Xuân Lãnh (Đồng Xuân), xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa), tình hình dịch bệnh đã khống chế, gia súc mắc bệnh đã được điều trị khỏi triệu chứng lâm sàng.
Hiện thời tiết đang diễn biến thất thường làm cho gia súc bị suy giảm sức khỏe và sức đề kháng - là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, trong đó có vi rút gây bệnh LMLM phát sinh và lây lan mạnh trong môi trường. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM không đạt yêu cầu (chỉ thực hiện tiêm phòng trên 80% tổng đàn), cộng với việc mầm bệnh còn lưu cữu trong môi trường tại các ổ dịch cũ, nên khi gặp điều kiện thuận lợi vi rút bùng phát gây bệnh và lây lan thành dịch.
* Trong quá trình triển khai phòng chống dịch bệnh, có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Thông thường bệnh LMLM không gây chết nhiều gia súc, ở gia súc trưởng thành tỉ lệ chết do bệnh khoảng 2%, ở gia súc còn non tỉ lệ này khoảng 20% và bệnh không lây lan sang người nên công tác phòng chống dịch LMLM thường không nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của người chăn nuôi. Hiện nay, một bộ phận người chăn nuôi còn mang tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động mua thuốc sát trùng để tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường chăn nuôi của gia đình. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ và tâm lý sợ báo dịch của người chăn nuôi cũng là một trong những khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
* Ngành thú y đã có những biện pháp gì để chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng?
- Xác định việc phát hiện sớm các ổ dịch để có biện pháp dập dịch kịp thời, không để lây lan là một trong những vấn đề mấu chốt trong việc chống dịch, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo các trạm thú y huyện tổ chức giám sát chặt các ổ dịch, không để xảy ra tình trạng giết mổ gia súc bệnh, mua bán, vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch hoặc ngang qua vùng dịch. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra khu vực chăn nuôi của địa phương để nhanh chóng phát hiện dịch bệnh và có biện pháp chống dịch hiệu quả.
Bên cạnh đó, chi cục cũng yêu cầu các trạm thú y huyện phối hợp cùng các địa phương tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng, vệ sinh môi trường toàn bộ khu vực chuồng trại chăn nuôi, đặc biệt tập trung tại các ổ dịch cũ. Hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết các triệu chứng của gia súc mắc bệnh, cách điều trị cho gia súc khi bị bệnh LMLM. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện vật nuôi của gia đình hoặc của những hộ lân cận có các dấu hiệu bị bệnh LMLM. Đến nay chi cục đã cấp 112 lít thuốc sát trùng cho các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa để phun tiêu độc môi trường các ổ dịch, vùng dịch, khu vực chăn nuôi. Tổ chức tiêm phòng bao vây khẩn cấp các ổ dịch tại huyện Đồng Xuân và Tây Hòa…
* Theo ông, người chăn nuôi cần thực hiện những biện pháp gì để phòng dịch hiệu quả?
- Để phòng chống dịch bệnh lây lan, người chăn nuôi nên thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chấp hành tốt việc tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định; thực hiện dọn vệ sinh quanh khu vực chăn nuôi, phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường, thu gom chất thải chăn nuôi hằng ngày và xử lý bằng thuốc sát trùng hoặc vôi bột để diệt mầm bệnh; tăng cường dinh dưỡng, không để cho gia súc bị đói, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng. Đồng thời người chăn nuôi phải tuân thủ tiêu chí “5 không” của ngành Thú y: không giấu dịch, không mua động vật và sản phẩm động vật bệnh, không vận chuyển động vật bệnh ra khỏi vùng bệnh, không vứt xác động vật ra môi trường.
* Xin cảm ơn ông!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)