Thứ Sáu, 04/10/2024 12:24 CH
Cho vay vốn phát triển làng nghề ở huyện Tuy An:
Hiệu quả cao, ý nghĩa lớn
Thứ Sáu, 05/07/2013 07:35 SA

Được triển khai từ năm 2008, đến nay, các dự án vay vốn phát triển làng nghề ở huyện Tuy An không những góp phần, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi mà còn giúp khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương.

dc130705.jpg

Người dân xã An Cư (Tuy An) dùng vốn vay mua máy dệt chiếu để phát triển sản xuất - Ảnh: L.HẢO

NÂNG CHẤT SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ

Theo VBSP Tuy An, hiện tổng dư nợ của 10 dự án phát triển làng nghề trên địa bàn huyện đạt gần 3,5 tỉ đồng với 210 hộ vay vốn. Trong đó, Hội Nông dân huyện Tuy An quản lý 2 dự án, dư nợ 865 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 110 người, thu hút 78 lao động nữ; Hội Phụ nữ huyện quản lý 8 dự án, dư nợ gần 2,6 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 186 người, thu hút 156 lao động nữ.

Ông Đào Duy Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy An (VBSP Tuy An) cho biết: Các dự án phát triển làng nghề trên địa bàn huyện được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh. Các dự án này tập trung phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương như đan thúng chai ở xã An Định, An Dân; đan ngư lưới cụ, chế biến nước mắm ở xã An Ninh Tây; làm bánh tráng ở xã An Mỹ; trồng cói dệt chiếu ở xã An Cư; chế biến nước mắm ở xã An Hòa, An Chấn… Tùy vào nhu cầu, mỗi hộ được vay trung bình từ 10 đến 20 triệu đồng để mua nguyên, nhiên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề.

Được Hội Phụ nữ xã An Mỹ bảo lãnh, chị Thái Thị Mỹ Ngọc ở thôn Hòa Đa (xã An Mỹ) vay 20 triệu đồng từ dự án phát triển làng nghề bánh tráng. Cùng với vốn vay, gia đình chị thêm ít tiền, đầu tư xây lò hơi để sấy bánh vào mùa mưa. Chị Ngọc cho biết: “Nhà tôi tráng bánh quanh năm, mùa nắng thì tận dụng ánh sáng trời để phơi bánh, còn mùa mưa phải phơi sấy. Trước kia, gia đình chỉ có hệ thống sấy bánh bằng củi; tuy bánh nhanh khô nhưng hay bị cong vênh, ám khói, chất lượng bánh không đều, mẫu mã không đẹp nên giá cả bán rất bấp bênh. Từ ngày vay vốn ngân hàng, đầu tư hệ thống sấy bằng lò hơi, chất lượng bánh ổn định nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi”. Hiện mỗi ngày, vợ chồng chị Ngọc bán 800 đến 1.000 bánh; sau khi trừ chi phí, cho thu nhập trung bình 200.000 đồng/ngày.

Cũng dùng vốn vay để phát triển nghề, chị Nguyễn Thị Kim Phương ở thôn Phú Tân 2, xã An Cư hùn vốn với một số hộ vay khác trong cùng dự án để mở rộng quy mô xưởng dệt chiếu của mình. Với số vốn 100 triệu đồng từ 5 hộ vay, chị Phương đầu tư mua thêm máy dệt chiếu, may bìa và nguyên liệu cói để sản xuất. Hiện cơ sở của chị Phương có 13 máy dệt, giải quyết việc làm cho 25 lao động nữ với thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/tháng. Nhiều chị em còn nhận chiếu về làm một số công đoạn thủ công để kiếm thêm thu nhập. Theo chị Phương, từ ngày có thêm máy dệt nên cơ sở sản xuất được 200 chiếc chiếu/ngày với mẫu mã đa dạng, chất lượng bền, đẹp hơn trước. Thị trường cũng bắt đầu biết đến thương hiệu chiếu Phú Tân nên đầu ra sản phẩm dần ổn định, không có hàng tồn.

SỚM LẬP DỰ ÁN ĐỂ CÓ VỐN

Từ nay đến cuối năm, các dự án làm bánh tráng ở xã An Mỹ, trồng cói dệt chiếu ở xã An Cư… sẽ đến hạn trả nợ. Nhiều hộ vay mong muốn Nhà nước tiếp tục cho vay mới để ổn định, phát triển làng nghề. Chị Nguyễn Thị Kim Phương ở xã An Cư cho hay: “Chúng tôi đang nhờ các cơ quan chức năng hướng dẫn đăng ký thương hiệu chiếu Phú Tân để mở rộng thị trường. Nếu tiếp tục được vay vốn sau khi đáo hạn (tháng 9/2013), cơ hội phát triển sản phẩm của làng nghề sẽ rộng mở hơn, chị em trong xã cũng có thêm việc làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Theo ông Đào Duy Hưng, chính sách cho vay từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh phù hợp với nhu cầu phát triển các làng nghề ở huyện Tuy An nên đã thu hút được nhiều lao động; giúp giải quyết và tạo việc làm mới cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, tăng thu nhập cho các hộ gia đình tham gia dự án. Sau khi giải ngân vốn, ngoài chương trình kiểm tra định kỳ của Ban đại diện VBSP Phú Yên, VBSP Tuy An thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể, cán bộ tín dụng địa bàn kiểm tra hộ vay vốn. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ vay đã sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi và trả nợ gốc khi đến hạn đúng quy định. Theo ông Hưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc xây dựng dự án từ cơ sở còn chậm; một số xã chưa quan tâm khảo sát, xây dựng làng nghề, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân địa phương để đề xuất lập dự án vay vốn. Ngoài ra, VBSP Tuy An cũng đề nghị tỉnh phân bổ vốn giải quyết việc làm ngay từ đầu năm để ngân hàng chủ động kế hoạch giải ngân vốn cho người dân vay; nếu chờ đến giữa hoặc cuối năm mới có vốn thì thường người dân lo chống chọi với thiên tai, lũ lụt, không mặn mà sản xuất, chăn nuôi.

LÊ HẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek