Thứ Hai, 25/11/2024 15:00 CH
Quản lý tổng hợp đới bờ và phòng chống thiên tai
Thứ Năm, 04/07/2013 10:00 SA

Biện pháp phù hợp nhất đối với việc bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh thái chính là các biện pháp cần cho việc duy trì các hệ thống tự nhiên vốn có chống lại thiên tai (như bão, lũ, nước dâng, xói lở…).

 

Các hoạt động của con người thường gây ra những thay đổi tại các vùng đất cần được bảo vệ như lấy cát từ bờ biển, làm suy thoái các rạn san hô, san phẳng các cồn cát, phá hủy rừng ngập mặn, do đó làm giảm khả năng tự bảo vệ của bờ biển. Ví dụ, nếu những đụn cát bị mất đi do khai thác cát, hoặc vì một số hoạt động nào đó trên biển, thì rủi ro đối với sự phát triển của vùng ven biển sau các đụn cát sẽ tăng rất nhanh. Tương tự, rừng ngập mặn đóng vai trò tiêu tán năng lượng sóng, giữ cho những vùng đất phía sau chúng khỏi bị xói mòi khi có bão. Giá trị mà những tài nguyên thiên nhiên này có trong việc ngăn ngừa thiên tai cho thấy cần phải xem xét chúng như những đối tượng quan trọng và phải đưa ra những biện pháp rất cứng rắn để bảo vệ chúng.

 

Trong thực tế, một chương trình giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cần phải triển khai cùng với việc bảo tồn các sinh cảnh ven biển - lá chắn tự nhiên, ngăn cản các tác động của sóng, lũ và xói lở. Ví dụ, việc lùi vào sâu trong đất liền để bảo vệ cộng đồng dân cư khỏi sự xói lở bờ biển và song bão lại có thể bảo tồn được rùa biển sinh nở ở vùng đó. Tương tự, những quy định khắt khe trong phân vùng liên quan đến phát triển các đầm ngập mặn không chỉ bảo tồn được các tài nguyên có giá trị về mặt kinh tế, mà còn giúp duy trì các rào cản tự nhiên chống lại sóng, bão. Cuối cùng, một bờ biển hoặc một công viên san hô có thể bảo vệ vùng tự nhiên này khỏi tác động của cả thiên tai lẫn sự suy giảm tài nguyên thủy sinh.

 

Ủy ban Brundtland của LHQ đã đưa ra khái niệm phát triển bền vững - là sự phát triển mà không làm tổn hại đến tương lai. Tuy nhiên, Ủy ban đã không đưa ra được những hướng dẫn thực tế về việc áp dụng khái niệm này vào các kế hoạch chương trình cụ thể. Nghĩa chung của nó nói lên rằng sử dụng bền vững đòi hỏi phải điều chỉnh mức độ sử dụng các tài nguyên có thể tái tạo được để chúng không bị suy thoái cạn kiệt. Liên quan đến tính bền vững, các tài nguyên phải được duy trì sao cho khả năng tự phục hồi của chúng không bao giờ bị mất đi. Hình thức quản lý này duy trì các tiềm năng sinh vật và củng cố các tiềm năng kinh tế lâu dài của các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo được. Việc tuân thủ sự phát triển trên cơ sở sử dụng bền vững phải được nhận rõ như một điều kiện cần thiết tuyệt đối để duy trì việc nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, nhà ở, năng lượng và các nhu cầu khác của con người.

 

Khai thác bền vững có nghĩa là sử dụng khôn khéo (phát triển) và quản lý chặt chẽ (bảo tồn) các loài sinh vật và hệ sinh thái mà chúng phụ thuộc vào, sao cho lợi ích hiện tại và tiềm tàng của chúng đối với con người không bị xâm phạm. Tài nguyên không thể khai thác hoặc sử dụng quá mức, để chúng có thể tái sinh sau một khoảng thời gian nào đó. Thực tế, tài nguyên có thể xem là nguồn vốn đầu tư thông qua sản lượng hàng năm; đó chính là sản phẩm để dùng, chứ không phải là nguồn vốn thông thường. Cần nhận thức rằng việc duy trì sản lượng từ một nguồn tài nguyên cụ thể nào đó, khi thiếu một mô hình lập kế hoạch và quản lý tổng hợp, sẽ gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, ở Ecuado nuôi tôm có lợi đến mức mà người ta đã phá hơn một nửa rừng ngập mặn để làm đầm nuôi tôm và chính điều này đã dẫn đến kết quả là năm 1986, phần rừng ngập mặn còn lại không có khả năng tạo ra những nguồn tôm giống để cung cấp cho các đầm nuôi tôm và khoảng 60% số đầm đã phải ngừng hoạt động. Không có chính sách hoặc chương trình bảo tồn thiên nhiên nào đã được triển khai để hướng dẫn cho ngành công nghiệp Ecuado là ngành đã tạo ra 44% thu nhập ngoại tệ và cung cấp hơn 100.000 công ăn việc làm cho người dân (1982). Không tồn tại một cơ chế hợp tác giữa các ngành nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, với việc lập các kế hoạch kinh tế. Trong bối cảnh đó, các cơ sở kinh doanh ngắn hạn tự do phát triển, làm tổn hại đến nền kinh tế lâu dài của nước này. Vay mượn ngoại tệ quá nhiều để làm đầm nuôi và mua sắm các thiết bị liên quan đã góp phần tạo nên món nợ ngoại tệ lớn của Ecuado.

 

(Theo Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek