Năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT Phú Yên triển khai thực hiện thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa) và Trường tiểu học thị trấn Phú Hòa (Phú Hòa) với môn Tự nhiên - Xã hội ở lớp 3 và môn Khoa học ở lớp 4. Phương pháp giảng dạy này bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Giờ học của học sinh Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.HẰNG
Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Âu Cơ Nguyễn Xuân Thiện cho biết, “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học tích cực, chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng việc quan sát, tìm tòi nghiên cứu, điều tra, thực hiện thí nghiệm… để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp “Bàn tay nặn bột” còn dạy học sinh cách tự học, tự khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu cuộc sống xung quanh. Cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác “Bàn tay nặn bột” luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên.
Là một trong hai trường tiểu học trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm phương pháp “Bàn tay nặn bột”, Trường tiểu học Âu Cơ đã triển khai kế hoạch giảng dạy đến giáo viên các khối lớp. Trong đó, tập trung thí điểm vào 8 lớp 3 và 9 lớp 4. Sau gần một năm học triển khai phương pháp giảng dạy này, hầu hết giáo viên của trường đều có chung nhận định đây là một phương pháp dạy học hay, kích thích sự sáng tạo của học sinh, giúp học sinh phát triển tư duy khoa học. Cô giáo Trần Thị Thương Huyền, Tổ trưởng chuyên môn khối 3 - một trong hai giáo viên của trường được tham gia lớp bồi dưỡng phương pháp “Bàn tay nặn bột” do Bộ GD-ĐT tổ chức, thổ lộ: “Ưu điểm của phương pháp này là ngoài dạy kiến thức, giáo viên còn hướng dẫn học sinh cách tự học, tự khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu cuộc sống xung quanh; tạo sự ham muốn khám phá, say mê khoa học của học sinh. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp “Bàn tay nặn bột” còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói, viết, làm việc nhóm và hình thành năng lực nghiên cứu khoa học cho học sinh. Do đó, khi dạy phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải có tầm hiểu biết rộng, có sự chuẩn bị công phu cho mỗi giờ học. Giáo viên phải vững kiến thức để cùng các em giải đáp các thắc mắc, lý giải các hiện tượng một cách khoa học”.
Đối với học sinh lớp 3, phương pháp “Bàn tay nặn bột” được vận dụng vào giảng dạy môn Tự nhiên - Xã hội, còn với học sinh lớp 4 phương pháp này vận dụng giảng dạy ở môn Khoa học. Dù ở khối lớp nào thì phương pháp này cũng tập trung phát triển khả năng nhận thức của trẻ em một cách khoa học nhất, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề. “Ở phương pháp này, học sinh được tham gia các thí nghiệm, rồi tự đưa ra đánh giá, thảo luận so sánh kết quả với các bạn trong nhóm để đi đến kết quả. Hầu hết học sinh đều cảm thấy hứng thú, chủ động trong suốt quá trình thời gian của tiết học, nắm vững kiến thức, nhớ bài lâu hơn” cô Huyền nhấn mạnh.
Đội ngũ giáo viên các trường tiểu học hiện nay đều chuẩn về trình độ và vững vàng về chuyên môn, sẵn sàng cho ứng dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp này vào giảng dạy thì trường học cần có đầy đủ cơ sở vật chất và các thiết bị dạy học trực quan theo các bài có thể thực hiện được phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Trong khi đây là những hạng mục đang thiếu đối với các trường tiểu học.
Để đánh giá kết quả một năm triển khai thí điểm áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy học ở trường phổ thông, mới đây Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT báo cáo tình hình triển khai thí điểm phương pháp này.
MẠNH THÚY