Những năm gần đây, người dân cả nước nói chung, người dân Phú Yên nói riêng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ sự biến đổi bất thường của khí hậu. Để có cái nhìn chung về diễn biến khí hậu trên địa bàn tỉnh những năm qua và có định hướng ứng phó cho những năm tiếp theo, kỹ sư Trần Công Danh, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên cùng nhóm cộng sự đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, bổ sung đặc điểm khí hậu thủy văn Phú Yên và xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt lưu vực sông Kỳ Lộ đoạn từ Phú Mỡ (Đồng Xuân) đến hạ lưu”.
Kỹ sư Trần Công Danh trong buổi nghiệm thu đề tài - Ảnh: T.HÀ
KHÍ HẬU DIỄN BIẾN NGÀY CÀNG BẤT THƯỜNG
Kỹ sư Trần Công Danh nhận định: “Địa hình Phú Yên có sự chia cắt mạnh dẫn đến chế độ khí hậu, thủy văn phức tạp. Mùa khô thường xảy ra tình trạng hạn hán ở nhiều nơi; mùa mưa thường có mưa bão, lũ lụt gây ra những thiệt hại nặng nề”.
Để nghiên cứu đặc điểm khí hậu, thủy văn Phú Yên, kỹ sư Trần Công Danh và nhóm cộng sự đã tiến hành nhiều phương pháp nghiên cứu: tổng quan số liệu, khảo sát thực địa, xử lý thống kê - mô hình hóa. Nghiên cứu cho thấy, khí hậu, thủy văn ở Phú Yên đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, mà trong đó mưa là yếu tố biến đổi mạnh mẽ nhất. Ví như, lượng mưa hằng năm trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng, số ngày mưa có xu hướng kéo dài ra và lượng mưa phân bố không đều giữa các vùng và các thời điểm trong năm. Cụ thể, lượng mưa hằng năm lớn nhất trên địa bàn tỉnh thường gấp 3-6 lần lượng mưa hằng năm nhỏ nhất. Ở TX Sông Cầu, con số này chênh lệch đến 14 lần. Đây cũng là một biểu hiện của biến đổi khí hậu. Riêng về bão lũ và áp thấp nhiệt đới, gần đây, có những biến đổi bất thường. Cụ thể, bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn; quỹ đạo của chúng có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía nam; mùa bão thường kết thúc muộn; nhiều cơn bão có đường đi khác thường. Đó là chưa kể, sự xuất hiện của bão và áp thấp nhiệt đới lại mang tính rời rạc, không liên kết theo số liệu nhiều năm khiến nhóm nghiên cứu rất khó dự báo những cơn bão tiếp theo. Ngoài diễn biến bất thường của mưa, bão, khí hậu ở Phú Yên còn xuất hiện một số hình thể thời tiết dị thường như lũ quét, sa mạc hóa. Lũ quét được hình thành bởi một lượng mưa có cường độ lớn, kéo dài, trên một khu vực nhất định. Lượng mưa hình thành các dòng chảy trên mặt đất và tập trung thành một dòng chảy lớn, có thể cuốn tất cả những thứ trên đường đi. Lũ quét thường xảy ra nhanh chóng khiến người dân trong một thời gian ngắn không kịp phòng bị dẫn đến những thiệt hại lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
CÔNG CỤ CẢNH BÁO CHO NGƯỜI DÂN
Kỹ sư Đặng Thị Lành, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: “Kết quả nghiên cứu khí tượng thủy văn và bản đồ nguy cơ ngập lụt trên sông Kỳ Lộ là công cụ phục vụ đắc lực cho cơ quan chúng tôi trong việc cảnh báo người dân, đề ra phương án di dời, cứu hộ, cứu nạn khi có bão lũ xảy ra. Bản đồ ngập lụt càng chi tiết, hiệu quả mang lại càng cao”.
Công trình nghiên cứu của kỹ sư Trần Công Danh và nhóm cộng sự là tài liệu điều tra tỉ mỉ về đặc điểm khí hậu, đặc điểm thủy văn trên địa bàn Phú Yên và phân vùng khí hậu thủy văn thành 5 vùng với những nét đặc trưng nhất định cho mỗi vùng. Trên cơ sở này, cơ quan phòng chống lụt bão có thể nắm được những đặc điểm cơ bản của khí hậu tại mỗi vùng, đồng thời, nắm bắt được diễn biến của khí hậu trong thời gian tới để kịp thời ứng phó. Ngoài ra, để tăng hiệu quả dự báo bão lụt, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ nguy cơ ngập lụt bằng cách thu thập, phân tích, tính toán các dữ liệu địa hình, số liệu khí tượng thủy văn, hải văn và tiến hành điều tra các vết lũ, đo mặt cắt, quan trắc lũ… Các số liệu trên được định dạng bằng bản đồ và hệ tọa độ sau đó chia thành 1.985 ô lưới, với kích thước mỗi ô 350 x 350m cho toàn lưu vực sông Kỳ Lộ đoạn từ Phú Mỡ đến hạ lưu. Cơ sở để chia lưới là xác định vùng có khả năng ngập, tính diện tích của vùng và chia cho diện tích một ô.
Bản đồ nguy cơ ngập lụt là phần mềm dựa trên ứng dụng mô hình thủy động lực 2 chiều HDM để diễn toán ngập lụt theo kịch bản, từ quá trình mưa lũ ở các trạm đầu vào (Trạm khí tượng thủy văn Hà Bằng, huyện Đồng Xuân). Bản đồ nguy cơ ngập lụt sẽ ứng với các tần suất ngập 1%, 3%, 5%, 10%; mức báo động II, III. Phần mềm có thể cập nhật địa hình hàng năm; cập nhật thay đổi số liệu về công trình giao thông, thủy lợi; cập nhật số liệu khí tượng thủy văn, hải văn, xây mới bản đồ nguy cơ ngập lụt… Đặc biệt, dự án có tính toán kết hợp việc xả lũ của các hồ chứa nước trên địa bàn ảnh hưởng đến diện ngập ở hạ du.
Dự án trên được triển khai và hoàn thành trong vòng 15 tháng nên nhóm nghiên cứu phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn. Để kịp tiến độ, chủ nhiệm đề tài đã phân công các thành viên trong nhóm làm các công việc khác nhau. Chị Lan, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Nhiều lúc, nhóm đi thực địa ở vùng núi, xa nhà dân, cả nhóm phải ăn mì gói, nghỉ ngơi tạm bợ ở bụi cây nào đó để làm cho xong công việc. Khổ thì khổ nhưng cả nhóm đều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhận xét về dự án này, ông Đào Tứ Xuyên, Giám đốc Sở KH - CN, nói: “Đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong công tác dự báo, cảnh báo lũ, tổ chức phòng tránh thiên tai, bão lũ; giúp Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt ở các địa phương có thể chủ động di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, xung yếu; chủ động thực hiện sơ tán, cứu hộ an toàn. Dự án cũng giúp công tác phòng chống lụt bão đạt hiệu quả hơn, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí”.
THÁI HÀ