Thứ Tư, 09/10/2024 17:25 CH
Tìm giống dừa chống chịu bệnh bọ dừa
Thứ Hai, 28/01/2013 14:00 CH

Mười năm trở lại đây, vùng dừa Sông Cầu bị bọ dừa xâm hại. Kỹ sư Nguyễn Lê Lanh Đa, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã cùng Trạm BVTV TX Sông Cầu triển khai đề tài tuyển chọn những giống dừa trồng có khả năng chống chịu bọ dừa để đưa ra giống có tính chống chịu tốt nhất, nhằm thay thế các giống dừa bị nhiễm nặng bệnh bọ dừa.

du130128.jpg

Kỹ sư Nguyễn Lê Lanh Đa (trái) phân loại bọ dừa, phục vụ nghiên cứu- Ảnh: T.HÀ

CHỐNG CHỌI VỚI BỆNH BỌ DỪA

Ông Nguyễn Văn Tân, Trạm trưởng Trạm BVTV TX Sông Cầu cho biết: “Hiện nay, TX Sông Cầu có 864ha dừa, trong đó có một nửa diện tích trên bị bệnh bọ dừa gây hại. Bên cạnh việc thả ong ký sinh, trạm còn tiến hành chọn lựa những giống dừa có khả năng chống chịu bọ dừa để đưa vào trồng thay thế vườn dừa bị bệnh hại nặng nhằm giảm thiểu tác hại do bọ dừa gây ra”.

Hiện TX Sông Cầu là địa phương có diện tích dừa lớn nhất trong tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, các vườn dừa ở TX Sông Cầu liên tục bị sâu bệnh tấn công. Vào thời điểm bệnh bọ dừa hoành hành dữ dội nhất, có đến 90% cây bị nhiễm bệnh. Còn ở những thời điểm bình thường, con số này cũng ở mức 40-50%. Từ khi bọ dừa xuất hiện cho đến nay, Phú Yên đã áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ như: dùng thuốc hóa học, chế phẩm sinh học để phun; nhân và thả bọ đuôi kìm; nhân thả ong ký sinh Asescodes hispinarum. Các biện pháp này phần nào hạn chế sự gây hại của bọ dừa trên các vườn dừa. Tuy nhiên, bọ dừa không được khống chế hoàn toàn mà ở nhiều vườn dừa, chúng còn phát sinh và gây hại ở mức độ khác nhau, tùy theo mùa và tùy theo vùng sinh thái.

Thực tế cho thấy, bệnh bọ dừa rất khó trị. Mặc dù người nông dân đã sử dụng rất nhiều biện pháp phòng, trừ sâu bệnh nhưng trong một thời gian dài, vẫn chưa tìm thấy biện pháp nào thực sự hiệu quả để có thể khống chế bọ dừa. Vì thế, thiệt hại về mặt kinh tế do bọ dừa gây ra là rất lớn. Tùy mức độ nhiễm bệnh mà tác hại chúng gây ra khác nhau. Nếu chỉ bị nhiễm bệnh ở cấp độ nhẹ, cây dừa có khả năng hồi phục và cho trái sau vài tháng. Nếu bị nặng, bọ dừa liên tục làm cho các lớp lá non bị héo, cản trở quá trình quang hợp, làm cho cây không tổng hợp được chất dinh dưỡng dẫn đến cây mất khả năng cho trái thậm chí là chết. Cây dừa khi bị nhiễm bệnh nặng phải mất từ 2-3 năm sau mới có thể phục hồi và cho ra trái bình thường.

Anh Lê Hoàng Phương, ở phường Xuân Phú (TX Sông Cầu) cho biết: “Hiện nay, diện tích, số lượng cây cũng như sản lượng dừa của địa phương đều bị giảm sút. Tuy vậy, cây dừa vẫn đóng vai trò là cây quan trọng đối với vùng đất Sông Cầu. Nhà tôi có trồng vài chục gốc dừa, nhưng những năm gần đây, bọ dừa tấn công dữ quá nên cây cho ra trái rất ít. Thiệt hại kinh tế cũng đáng kể nhưng không thấm vào đâu so với những gia đình sống nhờ vào cây dừa ở các xã Xuân Lộc, Xuân Bình”.

TUYỂN CHỌN GIỐNG DỪA

Kỹ sư Nguyễn Lê Lanh Đa, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “Trong quá trình đi điều tra trên đồng ruộng, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy có nhiều cây dừa ở trong vùng có bọ dừa nhưng không bị bọ dừa gây hại. Điều này có thể giải thích rằng, một số giống dừa hoặc cá thể dừa có khả năng chống chịu được bọ dừa. Để xác định khả năng này, nhóm nghiên cứu thuộc Chi cục BVTV Phú Yên đã phối hợp với Trạm BVTV TX Sông Cầu triển khai đề tài: Đánh giá tính chống chịu của một số giống dừa đối với bệnh bọ dừa. Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã chọn ra được giống dừa có biểu hiện chống chịu tốt với bệnh bọ dừa trong điều kiện vườn ươm”.

Để chọn được giống dừa về làm thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 14 xã, phường trên địa bàn TX Sông Cầu, sau đó khoanh vùng, đánh dấu những vùng dừa không bị bọ dừa gây hại. Bốn giống dừa trồng phổ biến ở Sông Cầu được đưa vào nghiên cứu gồm dừa bưởi, dừa dâu, dừa xiêm lửa và dừa bung (làm giống đối chứng). Nhóm tiếp tục tìm gặp các chủ vườn để tìm hiểu các thông tin về giống dừa, số trái/cây/năm, độ lớn của quả dừa, độ dày của cơm dừa, mức độ gây hại của bọ dừa trong những năm gần đây và chọn một trái/cây để phục vụ công tác nghiên cứu. Điều kiện để chọn quả là cây mẹ phải hội tụ đủ các yếu tố: cây có năng suất trên 70 trái/năm; thân cây phát triển bình thường, không dị dạng, không có vết sẹo, lá khít nhau; tán lá phân phối đều, nhiều lá, lá thoát nhanh; tuổi cây từ 15 đến 35 tuổi; không mọc ở những nơi gần chuồng gia súc; không có bọ dừa gây hại trong giai đoạn gây hại cao điểm của bọ dừa.

Sau khi chọn được trái dừa đạt chuẩn, nhóm nghiên cứu đưa quả về vườn ươm bố trí trồng theo từng ô, mỗi ô 9 cây để tiếp tục theo dõi. Khi cây dừa con bắt đầu cho ra lá, nhóm tiến hành thả bọ dừa vào từng ô với mật độ bọ dừa như nhau. Qua theo dõi, nhóm nghiên cứu nhận thấy giống dừa xiêm lửa và dừa dâu có tỉ lệ bọ dừa gây hại nhẹ nhất và có biểu hiện chống chịu được bọ dừa gây hại.

Kỹ sư Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên cho biết, sau khi tìm ra được giống dừa có biểu hiện chống chịu được bọ dừa, Chi cục BVTV Phú Yên sẽ khuyến cáo người nông dân thay thế vườn dừa lão, dừa bị bọ dừa gây hại nặng bằng những vườn dừa mới có sức chống chịu bệnh bọ dừa cao hơn.

THÁI HÀ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek