Thứ Ba, 26/11/2024 22:35 CH
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh dân tộc thiểu số
Thứ Tư, 29/09/2021 10:48 SA

Một tiết học tiếng Việt ngoài trời của Trường mầm non Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Ảnh: CTV

Ngành Giáo dục đang thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái xung quanh vấn đề này. Bà Ái cho biết:

 

Việc TCTV cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS đã được ngành Giáo dục tỉnh thực hiện nhiều năm qua và mang lại hiệu quả tích cực. Học sinh và các trẻ DTTS mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt; nói, viết tiếng Việt ngày càng tốt hơn. Để tiếp tục TCTV, ngay từ đầu năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiếp tục đề án giai đoạn 2021-2025; đồng thời chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát mục tiêu để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

 

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục cũng đã đặt ra mục tiêu là thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục, phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi. Ưu tiên nguồn lực để đầu tư và phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm dạy học tiếng nói, chữ viết của DTTS, giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh trong các cơ sở giáo dục (CSGD) vùng DTTS, miền núi.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái

* Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, năm học mới này, ngành Giáo dục sẽ triển khai đề án TCTV cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, miền núi như thế nào, thưa bà?

 

- Trước thềm năm học mới, Sở GD-ĐT chỉ đạo toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Trong đó, quan tâm chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục thực hiện các giải pháp TCTV cho học sinh tiểu học vùng DTTS phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học linh hoạt để đảm bảo phòng, chống dịch như: tập trung dạy học môn Toán và Tiếng Việt, tập trung TCTV cho học sinh vào lớp 1, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong và ngoài nhà trường, tích hợp rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong các môn học/hoạt động giáo dục khác… nhằm giúp học sinh có cơ hội giao lưu, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt.

 

* Vậy những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Việt vùng DTTS, miền núi là gì, thưa bà?

 

- Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới điểm trường theo hướng giảm điểm trường, lớp ghép để đầu tư tập trung, đạt hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học các CSGD vùng DTTS, miền núi đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh DTTS; tổ chức khảo sát, phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học để xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đúng đối tượng học sinh.

 

Ngoài ra, các đơn vị, trường học còn bảo đảm duy trì, phát triển sáng tạo môi trường tiếng Việt trong các CSGD mầm non, tiểu học vùng DTTS như: thực hiện tuần làm quen, giao tiếp, chuẩn bị tiếng Việt; tích hợp, lồng ghép, liên hệ trong các bộ môn, hoạt động giáo dục; xây dựng môi trường văn hóa đọc, phát triển thư viện nhà trường; trang trí trường lớp; giao lưu tiếng Việt, hi Trạng nguyên Tiếng Việt… quan tâm thực hiện đồng bộ ở điểm trường chính và các điểm trường lẻ…

 

* Thưa bà, việc nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo vùng DTTS và miền núi đã được ngành quan tâm như thế nào?

 

- Ngành Giáo dục cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở các CSGD vùng DTTS, miền núi. Hàng năm, ngành Giáo dục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ người DTTS về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục để TCTV phù hợp với đối tượng học sinh vùng DTTS; quan tâm công tác quản lý dạy học tại điểm trường, kỹ năng dạy học lớp ghép; bồi dưỡng một số tiếng DTTS phổ biến cho giáo viên dạy trẻ vùng DTTS; khuyến khích, yêu cầu tự bồi dưỡng, tự học tập tiếng DTTS địa phương phục vụ yêu cầu công việc; biên soạn, lựa chọn, thẩm định, triển khai tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

Việc TCTV cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS nhằm bảo đảm kỹ năng sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển bền vững, qua đó đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển xã hội của tỉnh, đất nước. Mục tiêu đến năm 2025 có 100% trẻ em trong các CSGD mầm non được TCTV phù hợp theo độ tuổi, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung TCTV.

 

HIẾU TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek