UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) bảo đảm kỹ năng trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển xã hội của tỉnh và đất nước.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, từ 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hàng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt. Mở rộng mô hình tăng cường tiếng Việt hiệu quả, qua đánh giá kết quả chất lượng giáo dục hàng năm. Đến năm 2025, có 100% huyện triển khai nhân rộng mô hình.
Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học và mầm non vùng DTTS được bồi dưỡng kỹ năng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt, được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng tiếng DTTS phục vụ công tác. Bổ sung đầy đủ kịp thời cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, tăng cường tiếng Việt…
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của kế hoạch này là tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục. Ngành GD-ĐT thẩm định, lựa chọn, biên soạn, bổ sung tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ em người DTTS, phổ biến trên địa bàn tỉnh cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học vùng DTTS. Tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phòng học đảm bảo cho giáo dục mầm non để có điều kiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS trước khi vào lớp 1. Ngoài ra, tập trung nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS; tăng cường công tác xã hội hóa.
(PYP)