Điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường đại học dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng cao, nhiều thí sinh 9-10 điểm mỗi môn thi vẫn trượt, khiến học sinh dự thi năm tới không tránh khỏi hoang mang, lo lắng.
Rớt vì chủ quan
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, tăng hơn 11% so với năm 2020 (900.000). Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là 795.000, tăng 152.000 (24%) so với 2020. Trong khi đó số chỉ tiêu chỉ tăng 10.000.
Các trường tốp trên có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi trường tốp giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh. Số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành). Số ngành tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%. Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên có 265 ngành (8%), trong đó riêng khối kỹ thuật - công nghệ (70) và sư phạm (64) đã chiếm tới 50%; sau đó tới khối kinh doanh và quản lý (42), xã hội nhân văn (32), pháp luật (10).
Trước các ý kiến cho rằng, năm nay “lạm phát” điểm chuẩn vì đề thi quá dễ, theo Bộ GD-ĐT, suy đoán này thiếu căn cứ. Số thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn ở mọi tổ hợp từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%/tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi, và đây là một tỉ lệ phù hợp với thực tế phân hóa học sinh trong quá trình dạy học ở phổ thông. Bộ này cho rằng có 3 nguyên nhân tăng điểm chuẩn, đó là điểm bài thi tiếng Anh tăng; số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh, giới hạn chỉ tiêu của các trường tốp trên; xu hướng chọn ngành (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).
Thật ra việc nhiều thí sinh có điểm thi cao nhưng vẫn rớt là chuyện vẫn xảy ra hàng năm. Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, việc nhiều thí sinh điểm rất cao nhưng vẫn rớt là điều rất tiếc nhưng các em cần phải xem lại mình, vì đôi khi quá tự tin vào điểm số khiến các em chủ quan khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Từ đợt 1 xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho thấy, nhiều thí sinh có mức điểm cao đã đổ xô vào xét ở một ngành nào đó của một trường, trong khi chỉ tiêu có hạn dẫn đến sự cạnh tranh rất khốc liệt. Chưa kể những ngành học đó đã xét tuyển thí sinh ở nhiều phương thức khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên… khiến chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi ít, từ đó đẩy điểm trúng tuyển cao lên.
Học sinh lớp 12 lo lắng
Điểm chuẩn trúng tuyển vào đại học năm 2021 tăng cao khiến học sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 hoang mang, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Em Nguyễn Thảo Nguyên, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), lo lắng: Để đạt được điểm 9-10 trong một kỳ thi không hề dễ dàng. Vậy mà có nhiều anh chị lại không trúng tuyển đại học nên em rất lo năm 2022 tới lượt chúng em sẽ như thế nào”.
Đây cũng là nỗi lo của nhiều học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2022. Nhiều học sinh và giáo viên cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm công bố phương án thi cử, tuyển sinh năm 2022 để việc dạy và học có thời gian thích ứng. Đề xuất trên có cơ sở khi trong tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu: Tinh thần là tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ có sự đổi mới để thích nghi với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn và tăng cường phân cấp trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Việc các trường đại học tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh nhiều hình thức, nhiều thời điểm, tăng cơ hội lựa chọn cho người học. Tuy nhiên, từ thực tế của các phương thức tuyển sinh đại học và kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, gióng lên hồi chuông cấp thiết về việc đổi mới tuyển sinh đại học. Và động thái mới nhất của Bộ GD-ĐT khi dư luận hoang mang về điểm chuẩn vào đại học năm nay quá cao, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết bộ này đang xây dựng lộ trình để kỳ thi tốt nghiệp THPT đi vào thực chất hơn, các trường đại học tự chủ hơn trong tuyển sinh. Đặc biệt, các đại học vùng sẽ đóng vai trò là hạt nhân cho việc kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trong thời gian sắp tới.
THÚY HẰNG