Ngày 8/8, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 đã chính thức bắt đầu. Ngày mai, thí sinh sẽ dự thi môn đầu tiên.
“Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Với tác động của dịch COVID-19, kỳ thi năm nay có nhiều điều chỉnh, nhiều quy định mới trong công tác tổ chức thi chưa từng có trong lịch sử thi cử Việt Nam như thí sinh vừa ôn thi vừa “hóng” việc có được thi hay không, tổ chức hai đợt thi, thí sinh được mang khẩu trang vào phòng thi, giám thị được trang bị thiết bị bảo hộ y tế...
Một kỳ thi, hai lần tổ chức
Để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia, hơn 900.000 thí sinh trên cả nước đã phải ôn tập không chỉ suốt một năm học vừa qua mà còn là sự nỗ lực của các em trong suốt ba năm cấp ba, bởi kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp mà kết quả thi con được dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là với các trường đại học tốp trên.
Với các nhà quản lý, đây là kỳ thi quốc gia duy nhất trên quy mô lớn nhằm đánh giá kết quả giáo dục của các địa phương, để cho thấy bản đồ giáo dục quốc gia, nhằm có chính sách phù hợp cho từng khu vực, từng tỉnh, thành để thúc đẩy chất lượng giáo dục cả nước đi lên.
Với ý nghĩa quan trọng của kỳ thi, không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, ủy ban nhân dân của 63 tỉnh, thành trên cả nước đã cùng vào cuộc lo liệu, tính toán, chuẩn bị cho kỳ thi trong nhiều tháng qua.
Vì thế, việc dịch COVID-19 tái bùng phát khi kỳ thi được chờ đợi cả năm chỉ còn được tính bằng ngày, câu hỏi về việc có tổ chức kỳ thi hay không đã khiến nhiều người lo lắng, thí sinh phấp phỏng. Sau nhiều cuộc họp của Ban chỉ đạo thi quốc gia với Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan, các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định vẫn tổ chức kỳ thi nhưng chia làm hai đợt. Đợt một vẫn thi theo đúng kế hoạch, từ ngày 8 đến ngày 10/8, dành cho thí sinh ở các khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đợt hai, sẽ tổ chức thi sau, dành cho thí sinh ở các khu vực bị cách ly. Theo đó, toàn bộ thí sinh ở TP Đà Nẵng, thí sinh TP Hội An, TX Điện Bàn và bốn huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình của Quảng Nam và các khu vực cách ly của các tỉnh, thành khác trên cả nước; các thí sinh thuộc đối tượng F1, F2 sẽ lùi lại thi sau.
Theo phó giáo sư Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quyết định tổ chức kỳ thi trong bối cảnh hiện nay là một tính toán rất đa chiều để bảo đảm quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là quyền lợi của các thí sinh. Các em được thực hiện quyền của mình - quyền được tham dự thi theo quy định của luật; quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được thi trong điêu kiện an toàn nhất.
“Với cách thức tổ chức như vậy, thí sinh thi xong được sử dụng kết quả thi xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, nhất là trường tốp trên có phần lớn chỉ tiêu xét tuyển dựa trên sử dụng kết quả thi. Các em đã có thời gian dài nung nấu nguyện vọng của mình, đầu tư học tập, thì các em có quyền được tham dự kỳ thi. Do đó, việc tổ chức thi cho thí sinh thi đợt hai là cần thiết. Dù vất vả hơn cho các thầy cô giáo, cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương nhưng vì quyền lợi thí sinh thì chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện”, ông Trinh chia sẻ.
Em Lê Bá Khánh Ngọc, học sinh trường Trung học phổ thông Quang Trung, Hà Nội cho hay khi biết quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em đã như trút được một gánh nặng. “Cả một năm qua của em chính là cả một quá trình học tập và rèn luyện. Và sau khi học tập đủ lâu rồi thì em nghĩ đến lúc phải kết thúc đợt thi này để có thể nhẹ nhàng hơn”, Khánh Ngọc nói.
Đảm bảo mục tiêu kép
Trong bối cảnh dịch COVID-19, trách nhiệm tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương tăng lên gấp đôi khi phải đạt cho được mục tiêu kép: bảo đảm an toàn không chỉ cho an ninh trường thi mà cho cả sức khỏe của thí sinh và cán bộ làm thi.
Tình hình mới phải có giải pháp mới. Một kỳ thi đặc biệt thì cũng phải có những giải pháp đặc biệt. “Nhiều hoạt động trước kia không có như phòng chống dịch bệnh, năm nay được triển khai chặt chẽ, chu đáo. Chúng ta phải coi trọng sức khỏe của học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên… tham gia làm thi, rộng hơn là coi trọng sức khỏe của cộng đồng,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Theo đó, bộ đã có hàng loạt chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể với các địa phương về công tác phòng, chống dịch trước và trong khi diễn ra kỳ thi.
Lần đầu tiên tất cả các điểm thi được thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ trong, ngoài trước khi thi và thậm chí sau mỗi buổi thi. Trước cửa các phòng thi, ngoài danh sách thí sinh dự thi như mọi năm, năm nay còn có thêm nước sát khuẩn. Thí sinh được phép mang một vật dụng không có trong quy chế thi, không phục vụ cho bài thi, nhưng cần thiết cho sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh, là chiếc khẩu trang. Lần đầu tiên trong lịch sử, cán bộ coi thi được trang bị cả thiết bị bảo hộ y tế để sử dụng trong các trường hợp bất thường. Mỗi điểm thi không chỉ có một phòng thi dự phòng mà có tới hai phòng. Tất cả các thí sinh đều được đo thân nhiệt, thí sinh nào ho, sốt sẽ phải thi riêng.
Giải pháp đặc biệt cũng làm tiềm ẩn những rủi ro đặc biệt khi chiếc khẩu trang có thể là nơi cất giấu thiết bị gian lận công nghệ cao. Vì thế, giám thị được tập huấn kỹ càng về cách phát hiện gian lận. Ngoài kiểm tra bút, thước, máy tính của thí sinh, giám thị phải kiểm tra cả khẩu trang. Thí sinh khi vào phòng thi cũng phải bỏ khẩu trang để cán bộ coi thi nhận diện, đối chiếu khuôn mặt với thẻ dự thi, sau đó mới đeo lại khẩu trang để đến bàn thi. Ở nhiều nơi, hội đồng thi trang bị sẵn khẩu trang mới cho thí sinh. Tuy tốn kém hơn, nhưng an toàn hơn.
“Dù có nhiều khó khăn nhưng đến nay, công tác chuẩn bị thi đã hoàn tất. Các điểm thi đã sẵn sàng. Tôi tin rằng với quyết tâm cao của lãnh đạo các địa phương, Ban chỉ đạo thi các địa phương, với sự đồng lòng của học sinh, phụ huynh và toàn thể nhân dân, chúng ta cố gắng sao để Kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối cả về an ninh, công bằng và an toàn sức khỏe”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo Vietnam+