Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị mà sản phẩm bò một nắng mang lại, vừa qua, Sở KH-CN tỉnh phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL tổ chức hội thảo “Hoàn thiện quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên”.
Đạt tiêu chí mới được cấp quyền sử dụng
Bò một nắng Phú Yên hiện là sản phẩm được rất nhiều khách du lịch ngoài tỉnh quan tâm. Từ nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất bò một nắng đã ra đời mang đến cho sản phẩm này những hương vị đặc trưng riêng. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở làm ăn chân chính, vẫn có nhiều cơ sở vì chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh về giá mà nhập bò rẻ tiền để chế biến. Vì vậy, trong Hội thảo “Hoàn thiện quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên”, quy chế đưa ra yêu cầu các cơ sở muốn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên phải tuân thủ theo các quy định.
Theo quy định của pháp luật về Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Với sản phẩm bò một nắng, nếu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định về chất lượng; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất, bảo quản sản phẩm theo quy định pháp luật. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bò một nắng phải lấy nguyên liệu thịt bò có nguồn gốc từ trong tỉnh.
Theo ông Đặng Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, hiện nay, đàn bò Phú Yên rất lớn nhưng vẫn phải nhập thịt bò giá rẻ chất lượng thấp về để cung cấp cho thị trường trong tỉnh; vì vậy, khả năng sẽ có những cơ sở chế biến lấy thịt bò giá rẻ để làm bò một nắng. Để tránh điều này, quy chế đưa ra vùng nguyên liệu cho sản phẩm bò một nắng phải là thịt bò có nguồn gốc trong tỉnh Phú Yên. Các cơ sở vi phạm điều này sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Để sản phẩm bò một nắng vươn xa
“Việc xây dựng, quản lý và khai thác thành công nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên sẽ giúp cho sản phẩm có bệ phóng để vươn ra thị trường trong nước và thế giới, mở ra triển vọng phát triển nghề chăn nuôi bò cho người nông dân…”. Đó là phát biểu của bà Lê Thị Bích Thủy, cố vấn Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL tại hội thảo.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, huyện có đàn bò khoảng 34.000-36.000 con, nhưng lại không phải là địa phương sản xuất bò một nắng. Vì vậy, khi xây dựng thương hiệu Bò một nắng Phú Yên, địa phương đặt vấn đề liên kết chuỗi xây dựng thương hiệu cho bò một nắng; trong đó, Tuy An sẽ là nơi cung cấp nguyên liệu. Thời gian tới, nếu xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên thì Tuy An sẽ có hướng để củng cố, phát triển đàn bò, giúp cho người dân Tuy An có thể phát triển ngành chăn nuôi bò theo hướng bền vững hơn.
Cũng trăn trở tìm hướng phát triển cho sản phẩm bò một nắng, ông Trịnh Xuân Thanh, chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Thanh Tuyền (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) cho biết, tuy Sơn Hòa là địa phương đầu tiên của tỉnh làm bò một nắng từ thịt bò vàng nhưng đến nay, số lượng bò vàng giảm sút nhiều nên bò một nắng được làm từ các loại bò thông thường. Để ổn định nguồn nguyên liệu, tỉnh cần tập trung khoanh vùng nuôi bò ở các huyện có đàn bò lớn; đồng thời thành lập hiệp hội sản xuất bò một nắng để cùng nhau xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Cũng có nguyện vọng đưa thương hiệu bò một nắng Phú Yên vươn xa, ông Phan Văn Hổ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý, cho rằng: “Hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất bò một nắng; cửa hàng đặc sản nào cũng có bò một nắng và cạnh tranh gay gắt về giá cả, nhưng giá bán đã là 250.000-450.000 đồng/kg. Để có giá rẻ thì nguồn thịt bò phải kém chất lượng. Vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần làm rõ, công ty nào làm đúng chất lượng, công ty nào làm sai sẽ chịu xử lý nhằm đưa sản phẩm về giá trị thực của nó”.
Bà Lê Thị Bích Thủy, cố vấn Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL cho biết, không cơ quan nào ép buộc các hộ sản xuất bò một nắng phải có chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, theo quy luật, những đơn vị không có nhãn hiệu sẽ gặp khó khăn trên thương trường vì quyền quyết định sử dụng sản phẩm là của người tiêu dùng. Mà hiện nay, những sản phẩm không có tên tuổi, không được cơ quan chức năng quản lý quy trình sản xuất, chất lượng thì sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay.
THÁI HÀ