Một mầm xanh nhỏ của cây bông đã nảy mầm từ một hạt giống được trồng trên tàu đổ bộ Mặt Trăng của Trung Quốc.
Theo những bức ảnh do Viện Nghiên cứu Công nghệ tiên tiến tại Đại học Trùng Khánh công bố, mầm cây này đã nhú lên từ một cấu trúc mắt cáo bên trong một chiếc thùng chứa sau khi tàu đổ bộ Hằng Nga 4 hạ cánh xuống Mặt Trăng hồi đầu tháng này.
"Đây là lần đầu tiên con người thực hiện các thí nghiệm sinh trưởng sinh học trên bề mặt của Mặt Trăng", Xie Gengxin, người chịu trách nhiệm lãnh đạo thiết kế thí nghiệm cho biết.
Trước đây, cây cối đã từng được trồng tại Trạm Vũ trụ quốc tế, nhưng đây là lần đầu tiên một hạt giống nảy mầm trên Mặt Trăng. Khả năng trồng cây trong vũ trụ được xem là đóng vai trò rất quan trọng với các sứ mệnh không gian dài hạn và với việc thiết lập các tiền đồn của con người tại những địa điểm khác trong Hệ Mặt Trời, ví dụ như Sao Hỏa.
Trồng trọt và thu hoạch lương thực trong vũ trụ, lý tưởng nhất là sử dụng nguồn nước được chiết xuất cục bộ cũng có nghĩa là các phi hành gia có thể tồn tại lâu hơn trong vũ trụ mà không cần trở về Trái Đất để lấy đồ tiếp tế.
Tàu thăm dò Hằng Nga - được đặt theo tên của nữ thần Mặt Trăng trong thần thoại Trung Quốc - đã đánh dấu cuộc đổ bộ đầu tiên của loài người lên vùng tối của Mặt Trăng vào ngày 3/1 vừa qua. Đây cũng là một bước tiến lớn của Trung Quốc trong hành trình đầy tham vọng nhằm trở thành một cường quốc về công nghệ vũ trụ.
Các nhà khoa học của Đại học Trùng Khánh, những người thiết kế thí nghiệm "sinh quyển Mặt Trăng thu nhỏ" này, đã gửi lên Mặt Trăng một công ten nơ dạng thùng cao 18cm chứa đất, nước và không khí.
Bên trong chiếc thùng là hạt giống của cây bông, cây arabidopsis - một loài cây nhỏ có hoa thuộc họ cải, và khoai tây giống, cũng như trứng ruồi giấm và nấm men. Những hình ảnh do tàu thăm dò gửi về cho thấy một mầm cây bông đang phát triển rất tốt; tuy nhiên tới lúc này vẫn chưa có thêm hạt giống nào khác nảy mầm.
Tàu Hằng Nga 4 cũng được trang bị những dụng cụ do các nhà khoa học Thụy Điển, Đức và Trung Quốc chế tạo để nghiên cứu môi trường Mặt Trăng, bức xạ vũ trụ và sự tương tác giữa gió Mặt Trời và bề mặt của Mặt Trăng.
Con tàu cũng đã thả robot Thỏ Ngọc để thực hiện các thí nghiệm tại miệng núi lửa Von Karman. Trung Quốc đã lên kế hoạch cho bốn nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng nữa và xác nhận việc phóng tàu Hằng Nga 5 vào cuối năm nay. Đây cũng sẽ là con tàu đầu tiên mang các mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất tính từ thập niên 1970 đến nay.
"Các chuyên gia vẫn đang thảo luận và xác minh tính khả thi của các dự án tiếp theo, nhưng chúng tôi đã xác nhận rằng sẽ có thêm ba nhiệm vụ nữa được thực hiện sau khi phóng Hằng Nga 5", Wu Yanhua, phó cục trưởng Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) trả lời tại một cuộc họp báo.
Theo ông Wu, tàu Hằng Nga 6 sẽ được thiết kế để mang về các mẫu vật từ cực nam của Mặt Trăng, và theo sau nó sẽ là những tàu thăm dò khác với nhiệm vụ thực hiện các khảo sát toàn diện tại khu vực này.
Loạt nhiệm vụ này cũng sẽ đặt nền móng cho việc xây dựng một cơ sở nghiên cứu Mặt Trăng. Công nghệ in 3D có thể sẽ được sử dụng để xây dựng các cơ sở này. Ông Wu cũng tiết lộ rằng Trung Quốc sẽ gửi một tàu thăm dò lên Sao Hỏa vào khoảng năm 2020.
Theo Vietnam+