Học ngành nghề nào ra trường không thất nghiệp? Đó là băn khoăn lớn nhất của học sinh trong quá trình lựa chọn ngành nghề vào thời điểm này khi mà các em chuẩn bị đăng ký thi THPT quốc gia năm 2019.
Đừng tự mình từ chối công việc
Mỗi khi có thông tin về con số lao động, cử nhân thất nghiệp, dư luận lại sôi nổi bàn về nguyên nhân. Và nguyên nhân thì có nhiều, song quan trọng nhất vẫn là bản thân người lao động.
Tại chương trình kết nối Nhà trường - Doanh nghiệp giữa Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Tổng Giám đốc công ty này cho biết: Hàng năm, công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn lao động có tay nghề từ trung cấp cho đến đại học và sau đại học. Từ kinh nghiệm tuyển dụng của công ty cho thấy, người lao động, nhất là đối với lao động có trình độ cử nhân nếu họ thực sự muốn có việc làm thì sẽ không thất nghiệp.
Lý giải về điều này, ông Nhân thẳng thắn cho rằng không ít sinh viên ảo tưởng về tấm bằng cử nhân của mình. Nhiều trường hợp đòi phải có vị trí cao, mức lương cao, công việc nhẹ nhàng… Điều này đã khiến họ từ chối nhiều công việc có thể làm ngay để bổ sung kinh nghiệm, kỹ năng. “Người lao động phải biết rằng, ta buộc phải đi từ thấp đến cao, phải bắt đầu với những công việc nhỏ nhất rồi phát triển từ từ. Nếu ta có năng lực thực sự thì sẽ có cơ hội phát triển công việc của mình”, ông Nhân nhấn mạnh.
Tại nhiều ngày hội việc làm dành cho sinh viên do các trường đại học, cao đẳng tổ chức với sự tham gia của các đơn vị tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động rất phong phú, đa dạng với hàng ngàn đầu việc làm; qua đó, lao động trẻ có cơ hội đăng ký phỏng vấn, tìm được công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn. Bên cạnh các vị trí việc làm cao cấp như quản lý, chuyên gia kỹ thuật, nhân sự…, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu là các ngành nghề mà xã hội đang cần... Tuy nhiên, số lượng lao động mà các doanh nghiệp tuyển dụng được rất ít bởi nguyên nhân “kén” việc của người xin việc.
Thất nghiệp không phải bởi ngành học
Trước câu hỏi của nhiều học sinh “học ngành nào để không thất nghiệp” tại các chương trình tư vấn tuyển sinh do Trường đại học Xây dựng Miền Trung vừa tổ chức, ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo của trường này khẳng định rằng, việc làm trong xã hội không thiếu. Có việc làm hay không chưa hẳn do cách các em lựa chọn ngành học, trường học mà phụ thuộc chủ yếu vào cách các em học ngành nghề đó. Bởi ngoài đòi hỏi về chuyên môn, tay nghề, các nhà tuyển dụng còn muốn tìm kiếm ứng viên giỏi ngoại ngữ, rành công nghệ thông tin và có các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp tốt, khả năng chịu áp lực cao trong công việc… Trong khi những yếu tố này, chưa được sinh viên chú trọng trong quá trình học tập, rèn luyện.
Không phải tự nhiên các nhà tuyển dụng luôn ưu tiên đối với những người ứng tuyển có kinh nghiệm, ngoại ngữ, tin học. Mới nghe qua điều này, nhiều sinh viên “giãy nảy”, cho rằng mới ra trường thì làm sao có được những điều đó. Giải thích về điều này, một nhà tuyển dụng chia sẻ, để “tạo ấn tượng” cho nhà tuyển dụng thì khả năng ngoại ngữ và tin học đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, kết nối toàn cầu, ở bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi các em phải có ngoại ngữ và tin học để học tập, nâng cao trình độ và hội nhập quốc tế. Không bao giờ là muộn để các em trang bị vốn tiếng Anh và tin học cho chính mình.
Năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải công khai kết quả giải quyết việc làm của đơn vị mình. Kết quả này dựa theo các tiêu chí về đánh giá chất lượng đào tạo, sự hài lòng của doanh nghiệp khi sử dụng sản phẩm đào tạo của các trường. Đây là thông tin để các em tham khảo, nhưng không phải là tất cả. Bởi để có được một công việc tốt, lương cao sau khi tốt nghiệp, chính cách học của các em mới là yếu tố quyết định. Sự thụ động trong việc học tập, không tìm hiểu kiến thức chuyên ngành và cả những kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp cũng đã trở thành một vấn đề dẫn đến sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng. Do đó, nếu các em không tạo dựng cho mình những giá trị nghề nghiệp từ ý thức cho đến chuyên môn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì khó có được một công việc tốt. Khi đó, thất nghiệp là do năng lực các em kém chứ không phải không có việc để làm.
THÚY HẰNG