Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được áp dụng trên cả nước theo lộ trình cuốn chiếu, bắt đầu từ lớp 1. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình GDPT mới nhằm “gỡ rối” cho các địa phương, đồng thời lên kế hoạch chuẩn bị về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp.
Bài toán thừa - thiếu giáo viên
Tại hội nghị trực tuyến triển khai chương trình GDPT mới, đại diện các cục, vụ, ngành Giáo dục 63 tỉnh, thành trong cả nước tập trung thảo luận công tác chuẩn bị về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp để triển khai chương trình.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những yêu cầu với đội ngũ phải đi cùng với việc giảm áp lực và tạo động lực cho giáo viên. Việc đầu tiên nhằm giảm áp lực cho đội ngũ là giảm gánh nặng thủ tục hành chính, sổ sách, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, rà soát đăng ký thi đua trên cơ sở thiết thực. Tới đây sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường giáo dục thân thiện, đổi mới, tránh gây bức xúc, dồn nén cho thầy cô.
Giải đáp thắc mắc về vấn đề tuyển dụng, sắp xếp tình trạng thừa - thiếu giáo viên của một số đại biểu, trong đó có tỉnh Phú Yên, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện có rất nhiều địa phương thiếu giáo viên. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã họp hai phiên trong năm 2018 và ra nghị quyết giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát, báo cáo Chính phủ để đảm bảo thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế và các nghị quyết của Đảng…
Đầu tháng 1/2019, Bộ Nội vụ đã có tờ trình Bộ Chính trị, báo cáo và đề nghị xem xét về vấn đề biên chế cho đội ngũ nhà giáo. Sau khi Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo, hai bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện. Ông Cường cũng khẳng định, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo các văn bản quy định hiện hành nhưng sẽ tích cực cùng Bộ GD-ĐT ủng hộ cho đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ số lượng theo đúng vị trí việc làm.
Trả lời về ý kiến băn khoăn đội ngũ giáo viên sẽ ra sao khi áp dụng chương trình GDPT mới, ông Cường cho hay: Nghị định 127/2018 của Chính phủ quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, bảo đảm đủ viên chức, quản lý; đảm bảo đủ số lượng người làm việc theo đề án Vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở GDPT…
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, khẳng định: Chương trình mới không có môn nào bỏ so với chương trình hiện hành nên không có giáo viên đang dạy bị thừa một cách cơ học. Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khẳng định với các môn dạy học tích hợp như thiết kế trong chương trình mới sẽ không gây bất cứ xáo trộn nào về đội ngũ giáo viên hiện nay.
Nhiều phần việc địa phương… tự lo
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có 424.757 phòng học kiên cố trên tổng số 567.012 phòng học hiện có, đạt 75%, điều này cũng đồng nghĩa với việc vẫn còn thiếu khoảng 142.000 phòng học chưa kiên cố, chưa đủ điều kiện để triển khai Chương trình GDPT mới.
Tại Phú Yên, ông Cao Văn Sự, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT, cho hay: Để đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo chương trình GDPT mới, tỉnh cần đầu tư xây thêm 951 phòng học; trong đó, 494 phòng ở bậc tiểu học, 303 phòng ở bậc THCS và 154 phòng ở bậc THPT. Vì vậy, để các địa phương có sự chủ động, tại hội nghị trực tuyến, đại diện ngành Giáo dục Phú Yên và các địa phương khác đã đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành các quy định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất, phòng học bộ môn.
Đồng tình với nhiều băn khoăn liên quan đến nội dung của môn học về địa phương, lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên và các phòng trực thuộc cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Trước thắc mắc trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT cho biết, các địa phương được chủ động trong thiết kế nội dung mang tính địa phương, các yếu tố thời sự nào của địa phương như kinh tế - xã hội, lịch sử là địa phương tự chọn. Ví dụ, TP Hồ Chí Minh dạy các em về phát triển kinh tế, còn ở các tỉnh Tây Nguyên dạy về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa cồng chiêng… Đối với thời gian trống sau ngày học, các trường, địa phương có thể thiết kế dạy kỹ năng sống, văn hóa văn nghệ cho học sinh. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay: “Thời gian tới, bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể công việc cần phải làm, lộ trình phân công, phân cấp, phối hợp một cách tường minh để có thể triển khai nhịp nhàng. Thành công của việc triển khai chương trình GDPT mới phụ thuộc vào sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở, phòng Giáo dục, hiệu trưởng các trường phổ thông. Riêng về đội ngũ hiệu trưởng, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ dành nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng cho đội ngũ này”.
TS PHẠM VĂN CƯỜNG, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN: Sớm có kế hoạch hướng dẫn cụ thể
Chương trình GDPT mới cụ thể hóa mục tiêu GDPT, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời. Sau khi họp báo công bố chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình GDPT mới thông tin lại một số điểm mới của chương trình GDPT mới, báo cáo về quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ để triển khai chương trình, đồng thời giải đáp một số thắc mắc, băn khoăn của các địa phương. Tôi đánh giá rất cao cách làm việc khoa học, bài bản và có chiến lược của việc cải cách chương trình GDPT lần này. Để các địa phương thực hiện đồng bộ, đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có kế hoạch và các văn bản hướng dẫn triển khai để ngành Giáo dục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tại địa phương.
Riêng với ngành Giáo dục Phú Yên, để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT mới, từ đầu năm 2018, Sở GD-ĐT Phú Yên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị nguồn lực để đón đầu. Trong đó, sở yêu cầu các phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục trực thuộc rà soát đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, báo cáo nhu cầu để kịp thời có kế hoạch bổ sung, đầu tư mua sắm.
ÔNG TRẦN NGỌC HIỆP, TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TIỂU HỌC (SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN): Tập huấn chương trình GDPT mới cho giáo viên
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 70% học sinh được học 2 buổi/ngày và học tăng buổi (từ 6-8 tiết/tuần). Để dạy học 2 buổi/ngày ở khối tiểu học theo chương trình GDPT mới cần phải có 1 phòng/lớp. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh chỉ mới đạt tỉ lệ 0,86 phòng/lớp, chưa tính các phòng chức năng. Thêm vào đó, theo Thông tư 16/2017 quy định, giáo viên dạy 2 buổi/ngày/lớp phải đạt tỉ lệ 1,5 người/lớp, chưa tính giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Nhiều giáo viên tiểu học đến tuổi về hưu, nhưng không tuyển thêm giáo viên mới vì thực hiện tinh giản biên chế. Trong khi đó, chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học có thêm môn Tin học và Công nghệ, môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường học, dạy học tích hợp, vì vậy, ngành Giáo dục cần có kế hoạch sắp xếp đội ngũ, đào tạo, bồi dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó, băn khoăn nhất hiện nay là sẽ chọn bộ sách giáo khoa nào để triển khai dạy học.
Thực hiện các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, hiện nay, Sở GD-ĐT Phú Yên đang chỉ đạo các phòng và các trường chuẩn bị đội ngũ giáo viên cốt cán để tham gia tập huấn cấp Trung ương. Đảm bảo trong năm 2019, 100% giáo viên dạy khối lớp 1 trong toàn tỉnh sẽ nắm vững được chương trình GDPT mới, cấu trúc cũng như vòng tròn trọng tâm của từng môn học.
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TIỂU HỌC ÂU CƠ (TP TUY HÒA) NGUYỄN XUÂN THIỆN: Nhà trường linh động chuẩn bị
Đổi mới chương trình GDPT là việc làm quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển chung, được mọi người đồng tình cao. Vấn đề là triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả. Từ năm học 2020-2021, chương trình GDPT mới sẽ được triển khai ở lớp 1, nên để không bị động, ngành Giáo dục cần chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng 1 lớp/phòng; đủ giáo viên theo quy định của Bộ GD-ĐT và nhất là chuẩn bị giáo viên ở hai bộ môn Tin học - Công nghệ và Ngoại ngữ.
Hiện nay, nhà trường có 41 lớp, nhưng chỉ có 63 cán bộ giáo viên, công nhân viên và 28 phòng học, nên không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Sắp tới, UBND TP Tuy Hòa sẽ xây thêm 6 phòng học nữa. Nhà trường cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị đội ngũ giáo viên khối lớp 1 có tay nghề cao để tham gia tập huấn, đảm bảo cho việc thực hiện chương trình GDPT mới từ năm học 2020-2021. |
HÀ MY