Thứ Hai, 25/11/2024 20:26 CH
Sơn Hòa: Nỗ lực tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Thứ Sáu, 14/12/2018 13:14 CH

Học sinh Trường tiểu học Suối Bạc trong giờ học - Ảnh: NGỌC TÂN

Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện miền núi Sơn Hòa đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, qua đó giúp cho học sinh dân tộc thiểu số ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập và giao tiếp tốt tiếng Việt.

 

Khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Việt

 

Huyện Sơn Hòa đề ra mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hàng năm, 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt.

Năm học 2018-2019, để giúp học sinh dân tộc thiểu số 5 tuổi làm quen với tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1, Trường tiểu học Suối Bạc, xã Suối Bạc tổ chức 6 lớp dạy tiếng Việt cho các em ngay từ đầu tháng 8. Cô Trương Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1D, điểm trường thôn Tân Lập thuộc Trường tiểu học Suối Bạc, chia sẻ: “Khả năng tiếp thu tiếng Việt của các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số rất hạn chế nên đòi hỏi giáo viên không chỉ kiên trì, nhẫn nại đánh vần, giải thích từ ngữ mà còn phải khéo léo động viên, khuyến khích các em phát âm khi tiếp cận với đồ dùng, đồ chơi ở lớp và giao tiếp với bạn bè”.

 

Bên cạnh đó, nhà trường còn cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt, tự học tiếng dân tộc thiểu số phục vụ công tác giảng dạy; sử dụng nhiều đồ dùng trực quan trong dạy học để giúp học sinh dân tộc thiểu số dễ hiểu bài. Thầy Trương Hữu Đồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Suối Bạc, cho hay: “Năm học 2018-2019, toàn trường có 690 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Cái khó trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số của trường là nhiều học sinh phát âm tiếng Việt chưa chuẩn nên đọc và viết sai chính tả, không hiểu nghĩa một số từ, rụt rè trong giao tiếp. Chính vì vậy, bên cạnh việc nắm bắt khả năng tiếp thu của các em, nhà trường còn khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Việt ở trường và khi về nhà; tăng cường thời lượng dạy đọc, viết tiếng Việt; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Việt để thu hút các em tham gia”.

 

Trước đây, Y Quyết, học sinh lớp 3B, Trường tiểu học Suối Bạc rất rụt rè, ít tham gia các hoạt động của trường, lớp vì chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Sau 3 năm học ở trường, được giao tiếp nhiều bằng tiếng Việt, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, giờ em tự tin hơn và rất thích đi học. Y Quyết nói: “Thầy cô chỉ em rất kỹ cách phát âm khi sử dụng đồ dùng, đồ chơi ở lớp và khi nói chuyện với các bạn bằng tiếng Việt nên bây giờ em đã phát âm chuẩn và viết đúng chính tả tiếng Việt”.

 

Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ

 

Trong đời sống sinh hoạt gia đình và tại cộng đồng dân cư của người đồng bào dân tộc thiểu số, các thành viên ít sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp. Chính vì vậy, con em họ (nhất là học sinh bậc tiểu học) ít có điều kiện giao tiếp, trau dồi tiếng Việt, dẫn đến việc phát âm, đọc bài trên lớp của các em chưa chuẩn.

 

Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục huyện Sơn Hòa đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình của đề án; tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trường học có học sinh dân tộc thiểu số triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng tăng cường tiếng Việt. Các trường đã có nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số như: tổ chức hội thi Giao lưu tiếng Việt, cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện; dạy tiếng Việt cho trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1 trong dịp hè; khuyến khích, động viên học sinh dân tộc thiểu số trong giờ học giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt.

 

Ông Hoàng Vũ Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa cho hay: “Năm học 2018-2019, toàn huyện có 5.882 học sinh tiểu học, trong đó học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 43,23%. Khả năng nói chuyện, sử dụng tiếng Việt của học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số còn yếu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Do đó, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nhất là ở cấp tiểu học được Phòng GD-ĐT huyện quan tâm, chú trọng. Chúng tôi coi đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Qua hơn 2 năm triển khai, đề án này đã mang lại hiệu quả nhất định. Sau khi được tăng cường học tiếng Việt, nhiều em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số tự tin trong học tập và giao tiếp tốt bằng tiếng Việt”.

 

NGỌC TÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek