Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu dự án: Xây dựng mô hình nuôi cá chẽm (Lates Calcarifer, Bloch 1970) trong thủy vực nước ngọt quy mô nông hộ tại Phú Yên. Dự án do ThS Phạm Trường Giang, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III làm chủ nhiệm đã giúp người dân sống ở khu vực nông thôn, miền núi có thêm đối tượng nuôi mới nhiều tiềm năng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đoàn Văn Cuộc ngâm cá giống trước khi thả để tránh tình trạng cá bị sốc nhiệt - Ảnh: CTV |
Đối tượng nuôi mới
Cá chẽm (còn gọi là cá vược) được xếp vào loại hải sản cao cấp vì chất lượng thịt thơm ngon bổ dưỡng. Những năm gần đây, cá chẽm được nuôi phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh như Quảng Ngãi, Khánh Hòa. Tại Phú Yên, mô hình nuôi cá chẽm đã triển khai thành công ở hồ thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh).
Ông Đoàn Văn Cuộc ở huyện Sông Hinh, một trong hai hộ tham gia mô hình cho biết, đầu năm 2017, ông thả 2.880 con cá trong 4 lồng tại hồ thủy điện Sông Hinh. Sau 9 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,9-1,2kg, giá bán 70.000 đồng/kg. Theo ông Cuộc, nếu thời tiết thuận lợi, việc nuôi cá chẽm sẽ mang lại lợi nhuận rất khá bởi cá chẽm không kén ăn, ăn ít nhưng phát triển rất nhanh và ít bệnh.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2017 do ảnh hưởng bão số 12, một số lồng cá của gia đình ông Cuộc bị hư hại, cá bị thất thoát nên lợi nhuận giảm sút. “Nuôi cá chẽm tuy đầu tư lớn, thời gian nuôi kéo dài (từ 8 tháng đến 1 năm) nhưng lại ít rủi ro so với nuôi cá lóc, cá trê, rô phi vì chúng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường và các loại thức ăn. Do đó, thu hoạch vụ này xong, tôi sẽ tiếp tục thả cá cho vụ sau”, ông Cuộc cho biết.
Theo ThS Phạm Trường Giang, khi thả cá chẽm giống, người dân cần thả vào lúc sáng sớm. Trước khi thả giống phải ngâm túi chứa cá giống vào lồng để khoảng 15-30 phút cho cá quen dần với nhiệt độ ngoài lồng nuôi, tránh gây sốc cá do nhiệt độ trong túi và môi trường nước lồng khác nhau.
Những ngày đầu sau khi thả giống, người dân nên sử dụng các loại thức ăn công nghiệp để tập cho cá quen dần với tập tính ăn mồi. Khi cá đạt trọng lượng từ 200-300g/con thì chuyển sang cho cá ăn cá tạp để giảm bớt chi phí. Việc cho cá ăn phải cố định vị trí nhất định trong ao, khi cá ăn no và bỏ đi thì dừng cho ăn.
Song song với việc cho ăn, người dân cần kiểm tra tình trạng sức khỏe cá hàng ngày bằng việc quan sát cá bơi lội và bắt mồi để xử lý kịp thời, sử dụng muối và vôi treo trong lồng nuôi, tắm thuốc tím 1 tháng/lần; tăng cường hệ miễn dịch cho cá bằng cách định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn trước khi cho cá ăn.
Trong tự nhiên, cá chẽm trải qua phần lớn thời gian sinh trưởng (2-3 năm) trong các thủy vực nước ngọt như: sông, hồ nơi nối liền với biển. Cá trưởng thành 3-4 tuổi di cư từ vùng nước ngọt về vùng cửa sông và ra biển để đẻ trứng rồi di chuyển ngược dòng để lớn lên. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, thường đạt trọng lượng 3-5kg sau 2-3 năm.
Do cá chẽm là loài cá dữ ăn thịt nên chúng có thể ăn lẫn nhau, nhất là khi còn nhỏ. Vì vậy, người nuôi cần phải thường xuyên san bớt cá vào các lồng hay ao để nuôi với các chế độ khác nhau.
Hiện nay, cá chẽm đang là đối tượng cá biển được thuần hóa nuôi khá thành công ở nhiều địa phương vì cho năng suất tốt và mang lại lợi ích kinh tế cao. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống và chuyển giao khá rộng rãi cho nhiều cơ sở sản xuất trong nước nên mở ra triển vọng cho việc phát triển nghề nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp, phục vụ xuất khẩu.
Cần ổn định đầu ra
Mặc dù ở nhiều địa phương, cá chẽm là một trong những đối tượng nuôi phổ biến được người dân đưa vào nuôi trong lồng ở các ao đầm nước lợ, nước ngọt nhưng tại Phú Yên, đây vẫn là đối tượng nuôi mới, số lượng cá chưa nhiều nên để phát triển diện tích nuôi, ổn định đầu ra cho sản phẩm này cần có thời gian.
Ông Lê O Y Thảo, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết, trong quá trình triển khai dự án, cán bộ kỹ thuật đã đồng hành cùng người dân, vì vậy khi dự án kết thúc, người dân đã chủ động về kỹ thuật và có thể tự triển khai sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của loài thủy sản mới này là vấn đề con giống và đầu ra.
Cụ thể, người dân khi mua con giống phải ra tỉnh ngoài để tìm địa chỉ uy tín; còn khi đã nuôi thành công lại phải tự tìm đầu ra vì ở địa phương không có thương lái thu mua như các loại thủy sản khác. Vì chưa tìm được đầu ra nên lượng cá chẽm thu được khi dự án kết thúc phải vận chuyển vào TX Cam Ranh (Khánh Hòa) tiêu thụ, làm phát sinh thêm phí vận chuyển.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thành công của dự án là đã chuyển giao cho người dân kỹ thuật nuôi một loại thủy sản mới để người dân có thêm lựa chọn. Còn vấn đề đầu ra thì cần phải có thời gian vì đây là đối tượng mới. Quan trọng nhất là dự án sau khi triển khai đã tạo ra được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, người dân có trình độ kỹ thuật, nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi cá chẽm lồng.
Từ chỗ chưa biết về đối tượng này, sau khi kết thúc dự án, người dân đã được trang bị đầy đủ kỹ thuật để tự thực hiện. Còn về vấn đề con giống, hiện Phú Yên đã có cơ sở sản xuất giống cá chẽm nên người dân có thể liên hệ với các đơn vị liên quan tìm thông tin và đặt hàng.
Sau 2 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng mô hình này trong nhân dân, Hội đồng KH-CN tỉnh cho rằng, chủ nhiệm đề tài cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án để có thể xác định vị trí, điều kiện nuôi cá chẽm phù hợp; hướng dẫn những giai đoạn nào cho ăn thức ăn công nghiệp và tươi sống; khuyến cáo về dịch hại; đánh giá sơ bộ chất lượng thịt của cá nuôi nước ngọt so với nước biển… Từ đó, người dân có cơ sở phát triển diện tích nuôi cá chẽm trong thời gian tới.
THÁI HÀ