Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, ngoại ngữ là một tiêu chí quan trọng để học sinh, sinh viên tự tin tìm kiếm cho mình những vị trí làm việc tốt nhất. Nhưng trên thực tế không phải học sinh, sinh viên nào cũng ý thức được điều này.
Sinh viên lười học ngoại ngữ
Thực tế cho thấy, vốn tiếng Anh tốt sẽ giúp sinh viên đáp ứng được hai yêu cầu, đó là chuẩn đầu ra và ứng tuyển khi tìm kiếm việc làm… Thế nhưng, hầu hết sinh viên có tâm lý chỉ muốn dừng lại ở yêu cầu đáp ứng chuẩn đầu ra để được tốt nghiệp. Gặp gỡ một số sinh viên năm thứ nhất, thứ hai tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, nhiều em cho biết, trong giai đoạn đại cương các em học tiếng Anh chủ yếu để đáp ứng học phần quy định chứ chưa thực sự đầu tư cho môn học này.
Tương tự, phần lớn học sinh, sinh viên các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn đối phó với tiếng Anh. Khi được hỏi các em có tự tin về khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của mình không thì có rất nhiều cái lắc đầu thay cho câu trả lời.
Theo nhận xét của các trường, phần lớn các tân sinh viên khi bước vào đại học, cao đẳng đều không đáp ứng được yêu cầu về trình độ tiếng Anh, dù chỉ để giao tiếp chứ chưa nói đến nghiên cứu tài liệu. Vốn liếng ngoại ngữ của nhiều em còn rất sơ sài, ý thức rèn luyện tiếng Anh của sinh viên chưa cao, chưa xem năng lực tiếng Anh là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển nghề nghiệp sau này.
Bên cạnh tiếng Anh, tiếng Nhật hiện nay cũng được xem là ngoại ngữ phổ biến để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật, song hiện nay có rất ít học sinh, sinh viên đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ này.
ThS Lưu Kim Lệ Hằng, Phó Trưởng Phòng Đào tạo (Trường cao đẳng Y tế Phú Yên), cho hay: “Để giúp học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ khi tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật, nhà trường tổ chức dạy tiếng Nhật miễn phí cho học sinh, sinh viên. Lúc đầu các em hăm hở đăng ký học, nhưng sau vài ba tuần theo học, các em lại bỏ cuộc nên lớp học tiếng Nhật không duy trì được”.
Yếu tố quan trọng song song với trình độ chuyên môn
Tại Ngày hội việc làm cho sinh viên do Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tổ chức vừa qua, trong quá trình tuyển dụng, các đơn vị sử dụng lao động đều có sự ưu tiên cho những thí sinh có năng lực ngoại ngữ tốt. Ông Lê Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm tuyển dụng và kết nối (Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam) cho hay: “Ngoài chuyên môn thì kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp bằng ngoại ngữ là một tiêu chí quan trọng để tuyển dụng hiện nay.
Tùy từng vị trí công việc, chúng tôi yêu cầu trình độ ngoại ngữ của người lao động tương xứng. Khi tốt nghiệp, tấm bằng cùng với các chứng chỉ kỹ năng mềm, chứng chỉ ngoại ngữ… mới chỉ là những yếu tố để doanh nghiệp trong hoặc ngoài nước quyết định chọn sinh viên phỏng vấn cho tuyển dụng. Trong quá trình tuyển dụng, nếu sinh viên thông thạo ngoại ngữ thì cơ hội trúng tuyển cũng như mức lương sẽ cao hơn”.
Rõ ràng, trước áp lực cạnh tranh lớn, nếu không thông thạo ngoại ngữ sẽ là một sự thua thiệt đáng kể đối với người lao động. Thời gian qua, phương án cải tiến chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong các trường đại học, cao đẳng liên tục được đề cập, thảo luận. Bộ GD-ĐT cũng đã triển khai thực hiện đề án Ngoại ngữ 2020 nhằm đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh, sinh viên tất cả các cấp.
Để những nỗ lực này mang lại kết quả, bên cạnh sự cố gắng của các trường, còn phụ thuộc nhiều vào ý thức của học sinh, sinh viên. Ít nhất các em phải thấy được việc học ngoại ngữ đem lại những lợi thế lớn cho chính bản thân mình, chứ không phải học đối phó để thi cho qua, cho đạt chứng chỉ…
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, cho biết: “Vốn ngoại ngữ tốt không chỉ giúp người học tăng tỉ lệ thành công khi xin việc mà còn giúp các em nắm bắt các cơ hội để học nâng cao. Hiện các doanh nghiệp nhìn nhận ngoại ngữ và kỹ năng mềm chính là hai điểm yếu mà sinh viên chúng ta gặp phải.
Để khắc phục những điểm yếu này, nhà trường đã thành lập Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế Sunshine để tạo điều kiện cho sinh viên theo học tiếng Anh giao tiếp và các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả…”.
Cũng theo thầy Quyên, ngoại ngữ và kỹ năng mềm không thể một lúc là có ngay được, mà cần được trang bị đồng bộ từ giáo dục phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, kể cả sau khi các em đi làm. Hiện nay, khi nền kinh tế thị trường mở cửa, hầu hết các doanh nghiệp hay các cơ quan nhà nước đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ ngoại ngữ. Do đó, ngoại ngữ vẫn sẽ là yếu tố quan trọng song song với trình độ chuyên môn.
THÚY HẰNG