Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 diễn ra từ ngày 10/11-10/12, với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!” (90-90-90 là các mục tiêu do Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS phát động, gồm: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).
Mục tiêu của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 là tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV cũng như tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân...
Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, nhiều hoạt động được tăng cường triển khai, như: Tổ chức hội nghị, hội thảo về xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; tổ chức gặp mặt những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV...
Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, chú trọng vào lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; lợi ích của việc tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương; sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như cách sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh; lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV, sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS...
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, điểm cấp phát thuốc Methadone, điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã, cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV; tổ chức những chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ, gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã phát hiện thêm 3.500 trường hợp nhiễm HIV, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2017; số trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS giảm khoảng 27%.
Tại Phú Yên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện thêm 17 trường hợp nhiễm HIV, nâng lũy tích nhiễm HIV trên địa bàn lên 726 người, trong đó có 286 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 189 người tử vong do AIDS.
YÊN LAN