Thứ Tư, 23/10/2024 07:26 SA
Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật: Cơ sở để tính toán chi phí đào tạo
Chủ Nhật, 04/11/2018 07:00 SA

Sinh viên học nghề Tự động hóa công nghiệp tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung - Ảnh: THÚY HẰNG

Thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới cơ chế quản lý tài chính từ giao kinh phí hoạt động thường xuyên sang đặt hàng đào tạo theo đầu ra cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH đã và đang tổ chức xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo nghề để các cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ xác định chi phí, tính giá đặt hàng đào tạo.

 

Xác định chi phí đào tạo

 

Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung là trường đầu tiên trên địa bàn Phú Yên được Bộ LĐ-TB-XH chọn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đào tạo nghề Tự động hóa công nghiệp. Mới đây, trường này tổ chức hội nghị thẩm định về việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật nghề Tự động hóa công nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp với sự tham gia thẩm định của các thành viên thuộc Vụ Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong và ngoài tỉnh.

 

Theo TS Trần Kim Quyên, Trưởng Ban Chủ nhiệm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của trường, định mức kinh tế - kỹ thuật nghề Tự động hóa công nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng là lượng tiêu hao các yếu tố về lao động, vật tư và thiết bị để hoàn thành việc đào tạo cho 1 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Kết cấu định mức kinh tế - kỹ thuật này gồm 3 phần cơ bản: Định mức lao động, định mức thiết bị và định mức vật tư.

 

Trong đó, định mức lao động là mức tiêu hao lao động sống cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc đào tạo cho 1 người học; định mức thiết bị là thời gian sử dụng từng loại thiết bị để hoàn thành việc đào tạo cho 1 người học; định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại nguyên, vật liệu cần thiết để hoàn thành việc đào tạo cho 1 người học. Các định mức được xây dựng theo nguyên tắc đảm bảo tính đúng, tính đủ để hoàn thành việc đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định.

 

“Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo nghề Tự động hóa công nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước. Đây cũng là cơ sở để các trường lập dự toán sát thực nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giảng dạy và trình lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH phê duyệt, ban hành, triển khai thực hiện”, ông Phan Thế Vũ, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nhiệt (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng thẩm định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đào tạo nghề Tự động hóa công nghiệp, cho biết thêm.

 

Đến thời điểm này, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho 9 nghề, gồm: Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Vận hành máy thi công nền; Vận hành cần, cầu trục; Kỹ thuật xây dựng; Bảo vệ thực vật; Chế biến và bảo quản thủy sản; Quản trị mạng máy tính; Quản trị kinh doanh xăng dầu và gas.

 

Năm 2018, bộ này tiếp tục xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho 58 ngành, nghề, trong đó tập trung vào các ngành, nghề trọng điểm xã hội có nhu cầu cao, gắn với Nhà nước đặt hàng, làm cơ sở để tính toán chi phí đào tạo, giúp các địa phương, bộ, ngành có căn cứ để chuyển đổi từ cấp ngân sách thường xuyên sang cấp ngân sách theo số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp và có việc làm.

 

Căn cứ để các trường có thể tự chủ

 

Căn cứ để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật là tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ quốc gia, quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo (tùy theo loại định mức kinh tế - kỹ thuật mà cơ quan tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật có thể lựa chọn một hoặc một số các căn cứ trên).

 

Do đó, trong quá trình thẩm định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, các thành viên hội đồng thẩm định chủ yếu đóng góp ý kiến ở hai nội dung chính, đó là phân bổ thời gian giữa các nhiệm vụ/công việc trong quá trình đào tạo và định mức kinh tế - kỹ thuật về lao động, thiết bị và vật tư của từng nhiệm vụ/công việc và toàn bộ quá trình đào tạo nghề.

 

Ông Nguyễn Tiến Bộ, chuyên viên Vụ Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật nghề Tự động hóa công nghiệp, chia sẻ: Thực hiện dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB-XH sẽ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho 300 ngành, nghề. Đây là việc làm cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ xác định chi phí, tính giá đặt hàng đào tạo và cũng là căn cứ để các trường cao đẳng, trung cấp có thể tự chủ.

 

Lâu nay, vấn đề chi phí học tập luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở của người học trong quá trình chọn trường, chọn ngành nghề, bởi cùng một ngành, nghề nhưng chi phí đào tạo giữa các trường luôn có sự vênh nhau đáng kể, chưa có sự tương quan với chất lượng người thầy, điều kiện học tập, môi trường mà nhà trường mang lại. Trong khi kết quả mà người học thụ đắc trong quá trình giáo dục sẽ quyết định trực tiếp đến cơ hội phát triển nghề nghiệp và triển vọng thu nhập trong tương lai.

 

Vì vậy, việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho các ngành, nghề mà Bộ LĐ-TB-XH đã và đang thực hiện phần nào đáp ứng được yêu cầu minh bạch trong chi phí đào tạo của các trường để người học lựa chọn ngành nghề theo học.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek