Ngày 2/11, Sở GD-ĐT họp bàn giải quyết những khó khăn sau khi thực hiện Kế hoạch 58/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập và công tác y tế học đường. Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hiện nay, ngoài TX Sông Cầu, các huyện Đồng Xuân và Sông Hinh, các địa phương còn lại của tỉnh đã thực hiện sáp nhập các trường. Dự kiến, sau khi sáp nhập theo kế hoạch, toàn tỉnh còn 314 trường học, giảm 103 trường.
Bên cạnh việc giảm số lượng trường học, giảm đầu mối và cán bộ quản lý, nhân viên hành chính, việc sáp nhập các trường gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; trường có số lượng lớp nhiều hơn 20 lớp, có nhiều điểm lẻ nhưng chỉ có một nhân viên bảo vệ, một nhân viên thư viện thiết bị nên khó khăn trong quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất; các trường phổ thông nhiều cấp học chỉ có một phó hiệu trưởng nên hạn chế trong chỉ đạo chuyên môn. Việc hợp đồng trách nhiệm giữa trạm y tế xã, thị trấn và nhà trường trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh còn một số vướng mắc, chưa có sự thống nhất.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và ngành GD-ĐT các địa phương đã nêu lên những khó khăn, đồng thời đề xuất các kiến nghị để việc sáp nhập trường học được thuận lợi. Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đề nghị Sở GD-ĐT hoàn chỉnh báo cáo cụ thể, đầy đủ gửi về UBND tỉnh trước ngày 6/11; sau đó Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, dự thảo văn bản để giao cho các sở, ngành liên quan tham mưu. Trong tháng 11 này, UBND tỉnh sẽ ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện sáp nhập theo Kế hoạch 58 dành riêng cho ngành GD-ĐT.
HÀ MY